|
>> Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 3: Sẽ không còn 'đất' cho dạy thêm tiêu cực
>> Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 2: Một bài thi đánh giá nhiều năng lực
>> Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 1
Sáng qua 5.12, Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả Đề tài độc lập cấp nhà nước mang tên: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước làm chủ nhiệm đề tài.
Chỉ tuyển học sinh khá vào sư phạm
Nhóm nghiên cứu nhận định: “Chất lượng đầu vào các trường sư phạm mấy năm gần đây có xu hướng thấp dần”. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy từ năm 2005 trở lại đây không ít trường tuyển sinh vào các ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, ngay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi được coi là “máy cái” trong đào tạo giáo viên cũng có những ngành chỉ lấy điểm chuẩn là 15.
|
Từ thực tế đó, ông Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục VN), thay mặt nhóm nghiên cứu đề nghị: “Đã đến lúc cần chấm dứt việc đào tạo giáo viên hệ trung cấp. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, các ngành sư phạm chỉ nên tuyển sinh những học sinh có học lực khá và có sơ tuyển. Việc sơ tuyển là nguyên tắc bắt buộc đối với giáo viên tiểu học và chuyên ngành năng khiếu”.
Nghiên cứu cũng cho thấy cấu trúc chương trình đào tạo hiện nay chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Số lượng tín chỉ cho học phần thực hành, thực tập sư phạm là phần thiết yếu (bắt buộc) chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 4,76%) trong tổng số tín chỉ toàn khóa. Chính từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Bình đề nghị: “Cần tăng cường đầu tư cho các trường sư phạm để có được đội ngũ giáo viên có năng lực. Hệ thống các trường sư phạm phải là đội ngũ canh tân trong đổi mới giáo dục”.
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Hoàn toàn có thể áp dụng hình thức đào tạo nối tiếp, thậm chí có thể tuyển sinh viên đã tốt nghiệp ĐH không phải sư phạm để đào tạo thành giáo viên THPT nhưng không thể chấp nhận cách đào tạo nghiệp vụ sư phạm vài ba tháng theo kiểu “tráng men” như hiện nay”.
Giảm áp lực giờ làm việc, tăng chế độ lương bổng
Nhóm nghiên cứu xác định không thể có một “chiếc đũa thần” trong việc nâng cao chất lượng giáo viên nếu không có chính sách và giải pháp đúng đắn, phù hợp. Một trong những chính sách đó là giảm áp lực giờ làm việc và có chế độ lương bổng đảm bảo mức sống hợp lý cho giáo viên.
Kết quả khảo sát cho thấy lao động sư phạm thực tế của giáo viên phổ thông khá cao. Thời lượng lao động sư phạm trung bình trong một tuần của giáo viên tiểu học là 62,95 giờ, THPT là 72,48 giờ. Ở một số trường, ngày nghỉ hoặc hết giờ học được tận dụng để họp tổ chuyên môn, họp hội đồng nhà trường. PGS Vũ Trọng Rỹ cho hay mỗi giáo viên có hơn chục hoạt động khác ngoài giảng dạy, đặc biệt là việc “chạy theo” các cuộc thi, các cuộc vận động… “Với cường độ lao động như vậy thì không thể đòi hỏi chất lượng trong hoạt động của giáo viên” - ông Rỹ nói.
Lương giáo viên theo quy định hiện hành là một trong những thang, bậc cao nhất trong hệ thống lương hành chính, sự nghiệp của nhà nước. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực tế chưa thực hiện được như vậy. Tốt nghiệp ĐH, cũng như các ngành khác, nhà giáo đều có lương bậc 1 là 2,34. Còn một số ngạch lương chưa bằng ngành khác, chẳng hạn như ngạch giáo viên trung học cao cấp có hệ số lương thấp hơn ngạch chính của các ngành khác...
Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nêu thực tế với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng như hiện nay, giáo viên không đủ sống. “Lương thấp nên giáo viên phải tìm mọi cách dạy thêm để kiếm tiền. Tôi hỏi rất nhiều gia đình có con đi học thì biết tiền học thêm gấp nhiều lần học phí chính thức”, bà Tâm Đan cho biết.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin: “Với những nước đang phát triển như nước ta hiện nay, UNESCO đề xuất lương của giáo viên phải cao hơn GDP 2,5 lần mới đáp ứng được nhu cầu”.
Chưa một lần giải quyết căn cơ Theo bà Nguyễn Thị Bình, vai trò của giáo viên với tư cách là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục đã được biết đến từ lâu trên cơ sở tổng kết thực tiễn cũng như nghiên cứu khoa học giáo dục. Tuy nhiên, rất tiếc từ năm 1979 đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo. Việc lựa chọn “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” là để xác định những luận cứ khoa học và đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược tổng thể, đồng bộ về xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, nhằm giải quyết một vấn đề căn bản đã và đang cản trở việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục. |
Tuyết Mai
Bình luận (0)