Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 4: Sẽ thay đổi cách dạy ở phổ thông

07/12/2013 09:00 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng những đổi mới tuyển sinh ở đại học sẽ góp phần thay đổi việc dạy và học bậc trung học phổ thông.

Đổi mới tuyển sinh ĐH
 Đổi mới tuyển sinh ĐH sẽ tác động ngược trở lại rất nhiều đến việc dạy và học ở bậc phổ thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dạy theo hướng phát triển năng lực 

Ông Văn Đức Lo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (H.Hóc Môn, TP.HCM), cho biết: “Phụ huynh thường mong con thi đậu đại học (ĐH) và tỷ lệ đậu cũng là mục tiêu mà các trường phấn đấu hướng đến. Do vậy, khi các trường ĐH thay đổi cách thức tuyển sinh, thì trường phổ thông cũng sẽ thay đổi cách dạy”. Ông Lo nói thêm: “Nếu như trước đây, thường giáo viên chỉ chăm chút vào việc dạy kiến thức, để học sinh giải và làm bài tập tốt, chuẩn bị cho các kỳ thi thì nay sẽ phải thay đổi, dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh, phát triển kỹ năng”.

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Khi các trường ĐH tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của học sinh thì trường học cũng phải cải tiến giảng dạy để nâng cao, phát triển năng lực học sinh. Bởi vì, nếu dạy các em học như hiện tại thì khó đạt trong kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường”. Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cũng khẳng định: “Trường nào không chịu thay đổi để phù hợp với môi trường tuyển sinh mới thì xem như bị tụt hậu, nhưng việc thay đổi sẽ phải bắt đầu từng bước một và chắc chắn gặp nhiều khó khăn”.

Phía các trường ĐH cũng nhìn nhận điều này. Tiến sĩ Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nhận định: “Muốn đổi mới thi ĐH trước hết phải đổi mới cách học ở phổ thông. Nếu hiện nay các em chỉ học theo môn thi thì việc phải làm một bài thi như vậy là rất khó”.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Khi nào Bộ GD-ĐT chấp thuận, triển khai, khi đó chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các trường phổ thông để có phương án dạy phù hợp cho những học sinh thi vào những trường ĐH có hình thức tuyển sinh riêng”.

Phải có biện pháp hạn chế tiêu cực

Phần lớn các ý kiến đều đánh giá cao phương án đổi mới tuyển sinh của 2 ĐH quốc gia, nhưng bày tỏ nghi ngại về tính khả thi trong giai đoạn hiện tại và lo âu về khả năng nảy sinh tiêu cực.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nhận định tổ chức thi bằng một bài thi đánh giá nhiều năng lực là rất tốt và nhiều nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, phương án này chỉ phù hợp với những nước có trình độ dân trí cao. Trong bối cảnh của VN hiện nay vẫn còn nhiều tiêu cực trong thi cử và chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch thì việc nhà trường tự ra đề thi là rất khó tránh khỏi các hiện tượng như: lộ đề, mua bán đề, luyện thi. “Theo tôi, việc ra đề vẫn phải do Bộ thực hiện. Các trường chỉ chủ động về thời gian và phương thức tuyển sinh”, ông Sơn nói.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ  Lê Trọng Thắng cho rằng đề án của ĐH Quốc gia Hà Nội rất tốt nhưng thí điểm ở phạm vi hẹp thì ổn, còn triển khai đại trà thì cần cân nhắc vì sẽ có những phát sinh khó thực hiện. Chẳng hạn việc phỏng vấn có đảm bảo khách quan, trung thực hay không? Việc kiểm tra bằng bài thi năng lực thì các nước cũng đã làm, nhưng có cơ quan tổ chức độc lập với nhà trường. “Ở VN nếu để các trường tự ra đề thì sẽ có ôn luyện thi và cũng khó tránh khỏi lộ đề thi”, ông Thắng nhận định. 

Tương tự với việc dạy thêm - học thêm, trong khi lãnh đạo Bộ tin rằng việc thay đổi ra đề thi sẽ khiến việc học thêm còn rất ít “đất” để tồn tại thì các giáo viên lại cho rằng thực tế sẽ không khả quan như thế. Ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM), khẳng định: “Việc đổi mới cách thức tuyển sinh như thế nào đi chăng nữa thì việc dạy thêm - học thêm cũng tiếp diễn. Vì hễ có thi thì chắc chắn có ôn và luyện thi”. Lãnh đạo một trường THPT tại Q.5, TP.HCM, cũng cho rằng: “Tình trạng dạy thêm sẽ không chấm dứt mà nó sẽ có chuyển hướng. Thay vì trước đây học sinh học các môn toán, lý, hóa... thì nay các em sẽ học giải đề theo dạng đề thi riêng của các trường tuyển sinh riêng”.

Thế Tấn, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 nhận định thi theo phương thức mới cũng phải luyện thi. “Em nghĩ học sinh trường nào muốn thi vào ĐH Quốc gia TP.HCM thì thầy cô ở trường đó phải mở lớp dạy riêng, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với cách thức tuyển sinh của họ thì may ra mới đậu. Thật tình, nếu thi vào ĐH này theo phương án mới, em cũng sẽ đi luyện thi”, Tấn cho biết.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), chỉ cần giáo viên đừng mang tâm lý dạy học để cho học sinh “ứng thí”, mà dạy để học sinh phát triển được các kỹ năng, năng lực bản thân thì xem như thành công. Như thế cũng tránh được các tiêu cực phát sinh.

Ý kiến

Cách thức thi hay

“Chỉ cần áp dụng năm đầu thì sẽ rút kinh nghiệm và hoàn thiện được. Đây là cách thức tuyển sinh hay”.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng
(nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM )

Nên phân hóa theo từng lĩnh vực

“Đề thi có thể có những kiến thức chung như ngoại ngữ, tin học nhưng không thể yêu cầu cùng một thí sinh lại vừa giỏi kỹ thuật lại vừa giỏi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Vì vậy, đề thi cần phân hóa theo từng lĩnh vực để đảm bảo phù hợp với thí sinh.

Tiến sĩ lê Hữu Lập
(Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông)

Cần thực hiện các nghiên cứu về giá trị bài thi

“Dù thi theo cách nào thì điều quan trọng nhất để đảm bảo kỳ thi có độ chính xác và cho kết quả đáng tin cậy là phải thực hiện thử nghiệm câu hỏi trước khi thi và thực hiện các nghiên cứu về giá trị của bài thi, dựa trên phân tích kết quả thi và độ tương quan của kỳ thi với các thước đo khác”.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
(Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

Giải quyết tình trạng học lệch

“Cách ra một bài thi trải rộng kiến thức chung toàn chương trình như vậy bắt buộc người thi phải có kiến thức tổng hợp cả chương trình phổ thông. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng học lệch như hiện nay”.

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

H.Ánh - M.Luân - V.Thơ (ghi)

Minh Luân - Vũ Thơ

>> Ưu tiên cũng khó tuyển sinh
>> Vơ vét tuyển sinh
>> Các trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển sinh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.