Nhà văn Bích Ngân bước chân vào sân khấu

09/12/2013 21:25 GMT+7

(TNO) Bận rộn trong công việc quản lý xuất bản, song nhà văn Bích Ngân vẫn không ngừng say mê sáng tác văn và kịch. Nhân dịp vở kịch mới nhất Gương mặt kẻ khác do chị viết kịch bản sẽ ra mắt công chúng ngày 13.12 tới đây, PV Thanh Niên Online đã có buổi trò chuyện với chị.

(TNO) Bận rộn trong công việc quản lý xuất bản, song nhà văn Bích Ngân vẫn không ngừng say mê sáng tác văn và kịch. Nhân dịp vở kịch mới nhất Gương mặt kẻ khác do chị viết kịch bản sẽ ra mắt công chúng ngày 13.12 tới đây, PV Thanh Niên Online đã có buổi trò chuyện với chị.

 Nhà văn Bích Ngân bước chân vào sân khấu
Nhà văn Bích Ngân được xem là người rất chịu khó đi thực tế để tìm chất liệu sáng tác - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Gương mặt kẻ khác sẽ công diễn từ ngày 13.12 tới tại Nhà hát kịch 5B, đây là vở kịch thứ mấy của chị?

- Nếu nói kịch bản văn học thì tôi đã viết được 7 kịch bản (trong số này có một số kịch bản được giải thưởng về kịch bản văn học). Còn nói về vở diễn thì đây mới là vở thứ hai sau Góc khuất trái tim - vở diễn tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cách nay đã 4 năm và được Nhà hát kịch truyền hình VN dựng và phát lại trong năm nay.

* Cơ duyên nào chị viết Gương mặt kẻ khác?

- Khi đọc bản thảo “Giải phẫu thẩm mỹ”của Linh Mai (một bác sĩ tâm lí đang sống và làm việc tại Đức) lúc chưa in thành sách, tôi thấy thú vị trước chi tiết một người chồng bác sĩ giỏi chuyên môn, đầy tham vọng thăng tiến trong nghề nghiệp và cũng mê vợ nhưng luôn thiếu thời gian, ngay cả thời gian dành cho ái ân. Thế nên, mỗi lần ân ái với vợ, anh ta chỉ luôn dành đúng 5 phút. Lúc nào cũng 5 phút!

Chính tình tiết này đã quyến rũ tôi, khiến tôi ấp ủ phải viết kịch bản Gương mặt kẻ khác, dù biết từ một quyển tiểu thuyết dày gần 500 trang đến một kịch bản sân khấu chỉ 40 trang giấy A4 để diễn trên sân khấu  trong 2 tiếng đồng hồ là một thử thách.

Nhà văn Bích Ngân bước chân vào sân khấu 2

Nhà văn Bích Ngân bước chân vào sân khấu 3
Cảnh trong vở Gương mặt kẻ khác - Ảnh: Sân khấu 5B cung cấp

* Chị đã vượt qua thử thách đó như thế nào?

- Khác với viết văn, khi vượt qua thử thách (luôn là một thử thách với chính mình dù là một truyện ngắn hay một tiểu thuyết), nhà văn tự vượt qua trong âm thầm đơn độc. Còn kịch bản sân khấu, là phần quan trọng của một vở diễn (nhưng cũng chỉ là một phần), người viết phải được sự hợp tác và trợ lực của cả một ê kíp thực hiện vở diễn mà đặc biệt quan trọng là đạo diễn.

Gương mặt kẻ khác may mắn được đạo diễn Trần Minh Ngọc chọn dựng và may mắn nữa là trong quá trình làm việc, đạo diễn và tác giả kịch bản luôn “gặp” được nhau, người này tung, người kia biết hứng. Không những thế, cách làm việc đầy gợi mở của đạo diễn Trần Minh Ngọc đã giúp tôi rất nhiều, kể cả cảm hứng sáng tạo. Chẳng hạn từ tình tiết người chồng chỉ ái ân với vợ đúng 5 phút như tôi đã nói. Lúc bàn bạc với đạo diễn đã khiến tôi nghĩ thêm một tình huống là khi anh chồng yêu vợ lâu hơn 5 phút đã khiến vợ hạnh phúc đến sững sờ, đến hoang mang cũng là lần… cuối cùng người chồng được yêu vợ.

May mắn nữa là NSƯT Mỹ Uyên đã “kết” kịch bản này ngay sau khi đọc. Mỹ Uyên cùng ê kíp thực hiện cũng đã phải vượt qua nhiều thử thách để đưa vở diễn đến với khán giả. 

 Nhà văn Bích Ngân bước chân vào sân khấu 4
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ NSƯT Mỹ Uyên đã cùng ê kíp thực hiện đã phải vượt qua nhiều thử thách để đưa vở diễn đến với khán giả - Ảnh: Sân khấu 5B cung cấp

* Từ sáng tác văn sang viết kịch bản sân khấu có phải rất thuận lợi?

- Vừa thuận lợi vừa trở ngại! Là người viết văn nghiêng về mổ xẻ tâm lý và chăm chút từng câu thoại nên lúc viết kịch bản tôi phát huy được khả năng khi viết lời thoại. Tuy nhiên, cái thói quen xoáy vào khai thác nội tâm nhân vật khi viết văn lại khiến nhân vật kịch ít hành động.

 
Nhiều chất văn và ít chất kịch là mẫu số chung của nhà văn khi viết kịch.

Nhiều chất văn và ít chất kịch là mẫu số chung của nhà văn khi viết kịch.

* Theo chị, hiện nay kịch bản sân khấu, đặc biệt là kịch nói, mạnh gì và yếu gì?

- Tôi chỉ là một người mới tập tễnh bước chân vào ngưỡng cửa của sân khấu. Ngôi nhà sân khấu với tôi vẫn còn mới lạ.

Tuy vậy, qua những lần đi dự trại viết kịch bản do Hội Sân khấu TP.HCM và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, được đọc, được nghe nhiều kịch bản của nhiều tác giả, tôi thấy cái mạnh là sự đam mê nghề nghiệp và thông qua tác phẩm, mỗi tác giả đều muốn mổ xẻ cái hiện thực bộn bề thật giả tốt xấu. Cũng với một kỳ vọng là “giải phẫu tâm hồn”, là góp phần làm cho cuộc sống thẳng thớm hơn...

Còn điểm yếu về khâu kịch bản, có lẽ là không nhiều những kịch bản hay và có quá ít kịch bản hay được dàn dựng.

* Vì sao ít có kịch bản hay được dàn dựng, theo chị?

- Câu hỏi này có lẽ dành cho giám đốc các nhà hát, các sân khấu kịch trả lời. Còn điều dễ thấy, theo tôi là thiếu tác giả tài năng và một ít tác giả từng thành danh từ sân khấu đã không còn mặn mà với sân khấu mà dành nhiều thời gian công sức cho kịch bản phim, bởi viết được một kịch bản sân khấu hay quả là quá đỗi nhọc nhằn.

Để có một kịch bản như Bí mật vườn Lê Chi, ông Hoàng Hữu Đản đã thai nghén mấy chục năm trời cùng với vốn văn hóa và vốn sống dày dặn.

 

Quỹ thời gian của mỗi người đều như nhau, khác nhau là ở chỗ bạn dành thời gian vào việc gì...

Và khi vướng vào cái nghiệp viết lách thì mình phải luôn “dè sẻn” nhiều thứ!

Một điều cũng dễ nhận thấy nữa là, tác giả kịch bản sân khấu, phần nhiều chưa được “đối xử” một cách tôn trọng. Ngay cả trên các bài giới thiệu nhiều vở kịch của nhiều phóng viên, họ thường quên tác giả kịch bản (nhiều phóng viên còn nhầm lẫn gọi họ là người biên kịch như phim truyền hình), người tạo bột cho chiếc bánh sân khấu mà chỉ nói đến vai trò của đạo diễn, của diễn viên.

* Vừa đảm đương công tác quản lý tại NXB, chị điều tiết thời gian sáng tác văn, viết báo và viết kịch bản sân khấu vào lúc nào?

- Thì bạn vẫn vừa là nhà báo vừa là một dịch giả đó thôi! Quỹ thời gian của mỗi người đều như nhau, khác nhau là ở chỗ bạn dành thời gian vào việc gì. Tôi cũng như bạn, là khi vướng vào cái nghiệp viết lách mình phải luôn “dè sẻn” nhiều thứ; chẳng hạn như ít hẹn hò gặp gỡ hay la cà quán xá và... ngủ ít. Thường ngày tôi có thói quen dậy từ 3 giờ rưỡi, nấu nước, pha trà, pha cà phê rồi nhâm nhi, nghĩ ngợi và viết đến 6 giờ.

* Xin chị chia sẻ kế hoạch sáng tác sắp tới?

- Tôi vẫn viết lai rai. Dịp Hội sách vào tháng 3.2014 tới, tôi sẽ ra mắt độc giả 2 quyển sách mới. Tôi cũng đang chỉnh sửa Vòng xoáy nghiệt ngã, kịch bản được viết ở trại sáng tác kịch bản hồi tháng 9 vừa qua. Đây là một kịch bản tôi tâm đắc với nhiều trăn trở và gởi gắm.

* Cám ơn chị và chúc chị ngày càng có nhiều tác phẩm mới, cả sách và kịch bản sân khấu.

Vở kịch Gương mặt kẻ khác

Tác giả: Nhà văn Bích Ngân
Kịch bản được cảm tác từ tiểu thuyết Giải phẫu thẩm mỹ của Linh Mai.
Đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc
Diễn viên: NSƯT Mỹ Uyên, Quý Bình, Diễm Kiều, Cát Tường, Lê Vinh, Nguyệt Ánh, Quỳnh Anh, Như Ý.

Vở kịch xoay quanh cuộc tình tay ba éo le, đầy gay cấn, nghẹt thở và kịch tính giữa Chương - Nhạn - Bạch. Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Chương cùng vợ là bác sĩ tâm lý Nhạn đang “yên ổn” sống, làm việc và theo đuổi sự nghiệp khoa học tại Berlin thì bất ngờ bị xáo trộn bởi Bạch - người đàn ông cần được giải phẫu thẩm mỹ sau tai nạn phỏng cả bộ mặt. Bạch là bệnh nhân của Chương nhưng lại là “người xưa” của Nhạn…

Ngọc Bi
(thực hiện)

>> Nhà văn Bích Ngân với niềm vui 3 trong 1
>> Ngôi nhà trên cây - Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Say sóng" - Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Bích Ngân - mười bảy năm một tiểu thuyết (*)
>> Ẩn hiện trong mưa" - Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Làn gió hôm qua" -Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Nhà văn Bích Ngân với niềm vui 3 trong 1
>> Hồ đêm thăm thẳm - truyện ngắn của Bích Ngân
>> Chị em ruột thịt" - Truyện ngắn của Bích Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.