>> Hôi của và ăn bẩn
>> Treo băng rôn 'xấu hổ' về hành động 'hôi bia' ở Biên Hòa
>> Trường học không được treo băng rôn quảng cáo
>> Vụ cướp bia ở Đồng Nai: Công an triệu tập 10 người tình nghi
>> Video clip vụ cướp bia: Tài xế đã van xin nhưng bất lực
|
Thời gian gần đây, lối sống thực dụng, vô cảm dường như đã in sâu vào trong máu trong tim của nhiều người cho nên họ không hề biết xót xa trước sự đau khổ của người khác. Rất nhiều lần báo chí đưa tin những xe chở trái cây bị rơi xuống đường là nhiều người tranh thủ hôi của. Những người hôi của đã mất hết lòng tự trọng nên họ mới đủ can đảm làm việc này. Họ vì quá tham lam mà không cần quan tâm đến việc hình ảnh xấu của mình sẽ bị phơi bày trên mặt báo.
|
Thật đáng buồn khi nhớ lại truyền thống “thương người như thể thương thân” ngày càng bị mai một bởi một số người mất hết nhân tính như thế này. Hàng ngàn thùng bia đổ xuống đường thế là có bao người sang trọng, quần áo bảnh bao, đi xe đắt tiền tranh thủ hôi của. Người lấy vài lon bia, người ôm cả thùng, thậm chí có người còn chở xe ba gác đến để hôi của. Rượu bia là những thức uống có hại cho sức khỏe vậy mà họ cũng ngang nhiên lấy cắp công khai của người khác thì thử hỏi có tài sản nào của người khác mà họ từ nan. Rồi đây khi cầm những lon bia “ăn trộm công khai” lên uống thì con cháu họ sẽ nghĩ gì về họ.
Ta thử hình dung lỡ có một em bé cất tiếng hỏi “Sao bia của người ta mà cha mẹ lấy cắp để uống? Ở trường thầy cô con dạy lấy cắp là điều xấu mà?” thì không biết họ sẽ trả lời thế nào đây. Vậy thì con cháu họ sau này có bắt chước họ hay không? Họ thật sự là tấm gương xấu cho con cháu noi theo. Uống hết số bia ấy thì số người này không có lợi gì cho sức khỏe trong khi hình ảnh xấu xa của họ thì cứ giữ mãi theo thời gian và rồi đây, họ có làm gì cũng không ai dám tin họ là người tốt vì một người tốt thì không thể lấy tài sản của người khác làm tài sản của mình dù chỉ là mấy lon bia.
Nhìn hình ảnh anh tài xế Hồ Kim Hậu quê ở Bình Định buồn rầu, bất lực cạnh xe tải nhìn mọi người ôm những thùng bia mà tôi thấy xót xa và rất cảm thông cho nỗi buồn của anh. Anh đã cố van xin, khóc lóc nhưng họ thì cứ vô tư lấy tài sản của anh. Có lẽ anh buồn vì số tài sản mình bị thất thoát thì ít mà buồn vì tình người dành cho nhau thì nhiều. Anh không thể ngờ những người này lại có thể nhẫn tâm chà đạp lên sự khổ đau của người khác. Rồi đây anh phải bỏ tiền ra để đền bù vào số bia bị mất cho chủ, nếu chủ không thông cảm thì biết đâu anh còn chịu nhiều thiệt hại về công ăn việc làm sau sự cố này.
Báo chí thời gian qua cũng đã phản ảnh trường hợp người bị tai nạn rơi tiền ra đường và nhiều người chạy đến lấy tiền của người bị tai nạn. Họ thật sự “thừa nước đục thả câu” một cách trắng trợn bỏ mặc cho người bị tai nạn đang lâm vào cảnh “thập tử nhứt sinh” trên đường.
Những năm gần đây Bộ Giao thông vận tải phát động phong trào “Văn hóa giao thông trên đường phố” và hành động hôi của như thế này thật sự là những hành động quá kém văn hóa. Ta thử nghĩ nếu như có người nước ngoài đến Việt Nam rồi họ cũng ghi lại hình ảnh này và tung lên mạng internet thì còn gì là danh dự quốc gia. Toàn thế giới sẽ nhìn người Việt Nam với ánh mắt thế nào. Những người tham lam, hôi của thật sự là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu cư xử có tình người thì lẽ ra sau khi thấy xe tải bị nạn những người ở gần đó cần đến giúp đỡ gom lại số bia rơi vãi giúp cho tài xế đưa lại lên xe. Làm càng nhanh càng tốt để tránh tình trạng kẹt xe do sự cố này. Bây giờ thì điều vừa mơ ước về cách cư xử có tình người ngày càng khan hiếm trong khi lối sống vô cảm, thực dụng ngày càng lên ngôi.
Đây là dấu hiệu của sự băng hoại đạo đức đáng báo động!
Theo tôi đã đến lúc pháp luật cần ra tay xử lý nghiêm những người hôi của. Nếu có băng hình ghi lại có chứng cứ rõ ràng thì những người tham gia hôi của người khác phải chịu bồi thường thiệt hại. Hình ảnh họ có thì họ không thể chối cãi được. Nếu như hôi của với tài sản có giá trị lớn thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy thì mới không còn những hình ảnh phản cảm thế này xuất hiện trên đường phố nữa. Cần cho những người hôi của sự trừng phạt đích đáng để họ không còn bản tánh tham lam lợi dụng sự nguy khốn của người khác để trục lợi cho bản thân mình.
Nguyễn Thanh Dũng
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là giáo viên Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Bình luận (0)