Vị bác sĩ này tâm sự: “Bệnh nhân khổ lắm, nhất là những người bị bệnh mãn tính, có khi kiệt quệ vì bệnh tật. Thỉnh thoảng có bệnh nhân yếu quá, mấy anh chị em trong khoa gửi bệnh nhân chút tiền mua chai đạm truyền trợ sức. Cũng chỉ hơn trăm ngàn đồng/chai thôi nhưng nhiều người bệnh không mua nổi đâu”.
Tâm sự của bác sĩ trên phần nào an ủi bệnh nhân - những người vào viện được chữa khỏi bệnh mà không bị quát mắng đã là hạnh phúc. Tuy nhiên, chuyện bệnh nhân bị bác sĩ gợi ý đưa tiền, y tá, điều dưỡng đòi đút tiền để được tiêm không đau vẫn là một thực tế nhức nhối. Ở nơi bệnh nhân nan y như bệnh viện (BV) K mà tình trạng này thậm chí còn phổ biến hơn ở nơi khác, như phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Y tế, thì phải gọi đó là sự nhẫn tâm của một số người mang danh trị bệnh cứu người. Đa số những người trong ngành đều phủ nhận chuyện nhân viên y tế vòi tiền bệnh nhân là do thu nhập thấp. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức, tại hội nghị khoa học về “An toàn người bệnh” hôm 2.12 đã thẳng thắn: “Điều dưỡng làm việc rất vất vả, nhưng BV cũng đã lo trả lương đầy đủ, tương xứng, nếu làm sai thì xin mời... nghỉ việc”.
Thực tế, Bộ Y tế cũng đưa ra một số giải pháp để chấn chỉnh y đức, như tập huấn quy tắc ứng xử; rồi phong trào “nói không với phong bì”…, nhưng nó quá ít, quá lép vế so với nạn "quát quen miệng", "nhận phong bì quen tay" trong ngành y hiện nay. Nếu thực sự coi đây là vấn đề nhức nhối, "làm xấu" hình ảnh ngành y tế như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng nói trước QH, có lẽ Bộ này cần có những biện pháp cứng rắn và hiệu quả hơn là một phong trào vận động. Chẳng hạn, nếu lãnh đạo các BV dám thực sự "xin mời nghỉ việc" khi phát hiện một nhân viên vòi tiền bệnh nhân như ông Nguyễn Tiến Quyết nói thì có lẽ môi trường BV sẽ trong sạch hơn rất nhiều.
Từ kinh nghiệm của một số BV, nhất là BV tư, đã đến lúc Bộ Y tế cần một cuộc đại phẫu chấn chỉnh y đức. Nguyên tắc thì rất đơn giản: cơ chế, chính sách ban hành ra phải khiến người ta không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Xử lý nghiêm để không dám tham nhũng, minh bạch mọi quy trình, thủ tục để không thể tham nhũng và cuối cùng là chế độ chính sách cho cán bộ y tế có mức thu nhập trung bình cao so với mặt bằng xã hội.
Mấy năm gần đây chi thường xuyên cho y tế từ ngân sách tăng đều, cộng với chính sách cùng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người bệnh thì việc đảm bảo thu nhập ổn định cho cán bộ y tế không còn quá khó, vấn đề chỉ là cách làm.
Nam Sơn
Bình luận (0)