Trong chuyến khảo sát 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, chúng tôi đã có dịp đặt chân đến Hà Giang để khám phá miền đất hoang sơ chìm ẩn trong mây, những cung đường hiểm trở, cánh đồng hoa tuyệt đẹp, hang động kỳ vĩ và hòa mình vào chợ phiên đầy màu sắc.
|
Hoa tam giác mạch quyến rũ
Chúng tôi may mắn đặt chân đến vùng núi cao Hà Giang khi hoa tam giác mạch đang độ tuổi “xuân thì”. Từ xa xa, thoáng thấy những nàng hoa tam giác mạch màu hồng tím tình tứ vui đùa trong gió trên cánh đồng bậc thang đặc trưng vùng cao. Theo hướng dẫn viên Trung Kiên (Công ty du lịch Hà Giang), hoa tam giác mạch là một loại cây ngũ cốc do đồng bào dân tộc Mông (Mèo) vùng núi cao Hà Giang. Mỗi năm đồng bào dân tộc Mông chỉ trồng một vụ hoa tam giác mạch, đến độ đầu tháng 10 sẽ nở hoa, ban đầu hoa màu trắng tinh khiết. Kế đến hoa chuyển sang màu trắng hồng, hơi tím, rồi hoa ngả màu đỏ sẫm, sang đầu tháng 11 hoa kết trái. Đồng bào dân tộc Mông dùng hạt này xay hoặc giã, trộn với bột để làm ra loại bánh chỉ ăn trong dịp tết cổ truyền của họ. Đoàn du khách không khỏi ngỡ ngàng thích thú trước cánh đồng hoa tam giác mạch hiện ra ngút ngàn. Được trở về thiên nhiên hoang dã, được thả mình trong không gian núi đồi trập trùng, hoa cỏ hiền hòa, con người chân chất, du khách miền xuôi như lạc vào thế giới thần tiên đẹp như tranh vẽ. Mùa xuân, hoa ban nở trắng trời hay hoa đào đỏ hồng khoe sắc dưới sương mai, mưa phùn. Đến với núi rừng Hà Giang vào mùa thu (khoảng tháng 9 hằng năm), du khách sẽ ngỡ ngàng say đắm trước những ruộng bậc thang lúa chín vàng óng.
|
Khám phá “Chiếc váy mới” vùng cao
Cách trung tâm thị trấn Tam Sơn chỉ khoảng 20 km, hang Khố Mỷ (xã Tùng Vài, H.Quản Bạ) tuyệt đẹp và kỳ bí là điểm khám phá mà du khách đến Hà Giang khó lòng bỏ qua. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND H.Quản Bạ, Hà Giang, hang động này do người dân phát hiện cả chục năm trước, mới được công nhận di tích quốc gia danh lam thắng cảnh từ ngày 20.8.2013, đến nay mới bắt đầu khai thác du lịch. Hang Khố Mỷ theo tên gọi dân địa phương nghĩa là Chiếc váy đẹp. Theo chân những hướng dẫn đoàn, nhờ máy phát điện chúng tôi sững sờ say đắm trước vẻ đẹp lộng lẫy của “chiếc váy mới”. Những cột nhũ thạch ngàn năm mang hình thù quái lạ như chiếc ngà voi khổng lồ, chiếc xương sống của khủng long, bàn tay quái dị hay tượng Phật A Di Đà hoặc bộ ba ông Phúc - Lộc -Thọ... Kiên trì khám phá tận cùng hang Khố Mỷ, du khách thấy công sức bỏ ra thật xứng đáng, bởi được chiêm ngưỡng một tuyệt tác tạo hóa đã ban tặng. Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Khố Mỷ là hang động đẹp với nhiều ưu điểm, hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Ăn món mèn mén, uống rượu ngô
Một điểm đến hấp dẫn khác, là di tích dinh nhà Vương do vua Mèo Vương Chính Đức xây dựng nên một công trình tuyệt mỹ kiêm pháo đài kiên cố. Đến dinh nhà Vương, du khách được tận mắt nhìn thấy cơ ngơi đồ sộ của một gia tộc quyền lực, thủ phủ thuốc phiện một thời, được nghe chuyện cha con vua Mèo Vương Chính Đức - Vương Chí Sình một lòng theo cách mạng, hiến toàn bộ gia sản cho nhà nước...
Chúng tôi may mắn đến Hà Giang vào ngày chợ Phố Cáo (H.Đồng Văn) vào chợ phiên đầy màu sắc: trang phục sặc sỡ của đồng bào vùng cao, những chiếc bánh làm từ bột chiên màu xanh đỏ và đủ loại hàng hóa. Những người đàn ông cõng trên lưng những vật dụng như chiếc chảo to tướng, bàn gỗ, xô chậu rời chợ phiên. Những phụ nữ cho lỉnh kỉnh vật dụng vào gùi sau lưng, mặt cười hớn hở.
Từ tháng 10.2010, Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên Công viên địa chất Toàn cầu. Hà Giang nổi tiếng đá tai mèo. Ở vùng cao này đồng bào không thể dùng lưỡi cày, bởi dưới lớp đất mỏng toàn đá. Đồng bào dân tộc Mông vùng cao Hà Giang sống trên đá và chết trong đá. Khi sinh ra họ làm rẫy, trỉa bắp trên đá kiếm sống, để rồi khi chết đi, người ta chỉ đào được lớp đất mỏng, đặt “áo quan” trên đó rồi xếp đá lên thành mộ. Loại cây lương thực chính của đồng bào vùng cao Hà Giang là bắp, gắn liền món ăn truyền thống là mèn mén. Mèn mén làm từ bắp được xay, ninh nhuyễn, nấu sền sệt ăn với món canh lá. Đoàn chúng tôi đã có dịp nếm món mèn mén truyền thống của đồng bào miền cao Hà Giang. Món này người Mông ăn từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.
Những ngày lưu lại đất Hà Giang, tôi ấn tượng với tình cảm nồng ấm, hồn hậu của đồng bào, người dân nơi đây. Một loại thức uống vùng này thường dùng đãi khách là rượu ngô, chế biến từ bắp ủ lá rừng, rượu rất ngon, nồng nàn. Hầu hết khách miền xuôi lần đầu đến Hà Giang sẽ rất bất ngờ bởi tập tục rất dễ thương và ấm áp của vùng cao này: khi uống rượu cùng nhau, sau mỗi ly rượu nâng lên uống cạn mọi người trong bàn lại bắt tay thắm thiết, như thể lâu ngày gặp nhau hay tạm biệt!
Hoàng Việt
>> “Thiên đường nhiếp ảnh” Hà Giang
>> Xúc cảm cùng sương mù Tây Bắc
>> Khám phá Tây Bắc mùa lúa chín
>> Du xuân Tây Bắc
>> Sắc đào Tây Bắc
Bình luận (0)