* Buộc 4 bị cáo nộp lại 28 tỉ đồng tham ô; 10 bị cáo liên đới bồi thường 366 tỉ đồng
|
Ngày thứ 2 xét xử vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm, HĐXX đã dành nhiều thời gian thẩm vấn làm rõ “đường đi” của khoản tiền “lại quả” gần 1,67 triệu USD và hành vi chia chác với nhau giữa các "sếp" Vinalines.
Theo cáo trạng, sau khi Công ty AP (Singapore) nhận được 9 triệu USD tiền mua ụ nổi của Vinalines, đại diện Công ty AP đã ký thư tín dụng gần 1,666 triệu USD vào tài khoản của Công ty Phú Hà (công ty của em gái Trần Hải Sơn).
Lời khai của Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu thủy Vinalines, thể hiện khi gặp đại diện AP tại trụ sở Vinalines, Sơn và ông này đã thống nhất về khoản tiền "lại quả" 20% giá trị hợp đồng mua ụ nổi. Công ty AP và Phú Hà đã lập một hợp đồng liên doanh khống về đầu tư một dự án ở Hải Phòng theo hình thức AP đầu tư khoản tiền này để hợp thức hóa. Sau khi nhận được tiền, Công ty Phú Hà quy đổi tiền mặt đưa cho Trần Hải Sơn tổng số hơn 28 tỉ đồng. Số tiền này, Sơn chia cho Dương Chí Dũng 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, Công ty Phú Hà 2 tỉ đồng và sử dụng cá nhân phần còn lại.
Những vali tiền “lại quả”
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều nói không nhận tiền của Sơn đưa.
Khi được hỏi, bà P. vợ Dương Chí Dũng lập luận: Sơn khai mang tiền đến nhà mẹ vợ Dũng ở Hải Phòng thời điểm tháng 8.2008 là không đúng vì thời điểm này con gái của bà và Dũng mới sinh, nhà chỉ có 24 m2 luôn có người, nên việc Sơn nói khi đưa tiền chỉ có Dũng ở nhà là không chính xác. Bà này cũng bào chữa cho chồng khi “xác nhận” khoản tiền Dũng mua 2 căn hộ cao cấp ở Hà Nội cho bồ nhí lấy từ gia đình.
Trong khi đó, nhiều nhân chứng đã khai trước tòa việc đưa nhận hối lộ là có thật. Bà Trần Thị Hải Huyền (em gái Sơn) khẳng định có lần được anh trai báo chuẩn bị 5 tỉ đồng để khi về Hải Phòng sẽ mang cho “bác Dũng chủ tịch”. Nhận tiền từ Huyền, Sơn cho vào 1 vali kéo sang nhà mẹ vợ Dương Chí Dũng, sát với nhà bà Huyền. Chồng của bà Huyền cũng xác nhận: thấy anh vợ xếp tiền vào vali nên đã hỏi đi đâu để lấy ô tô đưa đi vì lo mang nhiều tiền ra đường, nhưng Sơn nói không cần vì chỉ qua nhà bác Dũng ở gần đây.
Về 5 tỉ đồng còn lại trong số 10 tỉ, bà Trần Thị Hải Hà (một người em gái của Sơn và là Giám đốc Công ty Phú Hà) cũng khai đã từng chuẩn bị 5 tỉ cho Sơn để đưa cho Dương Chí Dũng. Bà này còn mô tả rành rọt phải rút nhiều lần mới đủ 5 tỉ đồng, nhưng tiền lẻ cồng kềnh nên Sơn đã bảo bà ra ngân hàng đổi thành loại tiền có mệnh giá 500.000 đồng. Cũng theo bà Hà, sau khi đổi tiền, Sơn cho vào một chiếc vali kéo, rồi đưa đến khách sạn ở TP.HCM cho Dũng.
Đối với khoản tiền đưa cho Mai Văn Phúc, các nhân chứng là người nhà Trần Hải Sơn nói có biết việc Sơn đưa tiền cho Phúc tại nhà riêng ở làng Quốc tế Thăng Long (Hà Nội) và quê ở xã An Hồng (H.An Dương, Hải Phòng).
Riêng bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, không phủ nhận số tiền Trần Hải Sơn đưa nhưng nói “không hề biết đây là tiền mua ụ nổi”.
“Chú nên tránh đi một thời gian”
Trả lời HĐXX về lý do bỏ trốn, bị cáo Dương Chí Dũng nói “hành động bỏ trốn không phải vì trốn tránh trách nhiệm mà vì quá hoảng loạn”.
“Vào tối 17.5, bị cáo nhận được một cuộc điện thoại từ người quen nói chú nên tránh đi một thời gian, lúc này bị cáo rất hoảng nên chỉ muốn đi càng xa Hà Nội càng tốt”, bị cáo Dũng nói. Khi bị cơ quan công tố truy người gọi điện là ai, Dũng nói “đã khai với cơ quan điều tra nên xin phép không nói lại vì sợ dư luận không tốt”.
Khi được hỏi chạy trốn cả chặng đường dài sang Campuchia, quá cảnh qua Đức rồi tới Mỹ "lấy tiền ở đâu, của ai" thì Dũng giải thích rằng “vì thường xuyên phải đi công tác nên luôn có sẵn tiền trong người cũng như các loại giấy tờ, từ chứng minh thư, hộ chiếu...” chứ không ai đưa, không ai cho.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa hỏi về việc “có giám sát và biết doanh nghiệp mua ụ nổi hay không?”, đại diện Bộ GTVT cho rằng: “Đây là thẩm quyền của doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị tự quyết định. Bộ không can thiệp được”. Tương tự, đại diện Bộ Tài chính cũng nói không nắm được sai phạm gì qua kiểm tra chi tiêu, tài chính của Vinalines.
Nộp lại tiền tham ô, liên đới bồi thường thiệt hại
Kết thúc phần thẩm vấn tại tòa chiều qua, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã công bố quan điểm luận tội và đề nghị mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, trong quá trình xét xử, các bị cáo nhận tội có mức độ, đổ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Song căn cứ vào kết quả thẩm vấn, người có liên quan, nhân chứng… xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo thể hiện rõ, phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Theo đó, bị cáo Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu, ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỉ đồng cùng với các bị cáo đồng phạm tham ô hơn 28 tỉ đồng nên mức án là tử hình về tội tham ô, 20 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Mức án này cũng được đề nghị đối với Mai Văn Phúc. Đối với Trần Hải Sơn, đồng phạm, giúp sức tích cực nhưng khai báo thành khẩn nên mức án đề nghị là 28 - 30 tù cho cả hai tội tham ô và cố ý làm trái. Trần Hữu Chiều 22 - 24 năm tù.
Đối với các bị cáo trong nhóm cố ý làm trái, Viện KSND đề nghị bị cáo Mai Văn Khang, nguyên Phó ban Đóng mới tàu biển Vinalines mức án đề nghị từ 8 -10 năm tù; 5 bị cáo khác là Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines; Lê Văn Dương, nguyên đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm VN; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cùng nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) bị đề nghị từ 6 - 8 năm tù.
Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều liên đới nộp lại 28 tỉ đồng tham ô; 10 bị cáo trong vụ án liên đới bồi thường khoản tiền thiệt hại 367 tỉ đồng.
Trong phần tranh tụng cuối giờ chiều qua, luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho Dương Chí Dũng, cho rằng “không có bất cứ tài liệu nào chứng minh số tiền 1,666 triệu USD chuyển về cho Vinalines” mà thực chất là chuyển cho Công ty Phú Hà. Do đó buộc thân chủ ông vào tội tham ô là không có cơ sở. Vị luật sư này cũng cho rằng, các lời khai buộc Dũng nhận 10 tỉ đồng chỉ là “phiến diện một chiều”. Ông Thủy cho rằng, Dương Chí Dũng “chỉ nóng vội phê duyệt” dự án Nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam và ụ nổi, trong khi cấp phê duyệt phải của nhà nước, chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân nào. Khẳng định gia đình ông Dũng danh giá, bản thân nguyên Chủ tịch HĐQT có nhiều thành tích trong công tác, ông Thủy đề nghị tòa xem xét, tuyên ông Dũng không phạm tội. |
Thái Sơn - Hoàng Trang
Bình luận (0)