Ngày 9.12, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN(ASEAN BAC) vừa công bố kết quả khảo sát về khả năng cạnh tranh của các thành viên thuộc khối ASEAN.
|
Khảo sát 502 doanh nghiệp
Cuộc khảo sát được ASEAN BAC thực hiện với 502 doanh nghiệp hoạt động tại 10 nước với tỷ lệ như sau: Thái Lan (21%), Singapore (20%), Việt Nam (18%), Indonesia (14%), Brunei (8%), Philippines (8%), Lào (4%), Myanmar (4%), Campuchia (2%), Malaysia (2%). Trong đó, 85% doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại các nước ASEAN và phần lớn nằm ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia. 15% doanh nghiệp còn lại có trụ sở chính ở châu u, Mỹ và Nhật nhưng hoạt động mạnh mẽ tại Đông Nam Á.
Xét về quy mô doanh nghiệp, khảo sát được tiến hành với 49% là doanh nghiệp nhỏ có số nhân sự dưới 50 người, 23% doanh nghiệp vừa có số nhân sự từ 50 - 200 người và 28% doanh nghiệp lớn có số nhân sự trên 200 người. ASEAN BAC tiến hành khảo sát trên với 59% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, 30% trong lĩnh vực sản xuất và 11% ở các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, khai thác khoán sản… Ngoài ra, 44% công ty tham gia khảo sát có thời gian hoạt động hơn 15 năm, 16% doanh nghiệp hoạt động từ 10 - 15 năm, 33% doanh nghiệp hoạt động từ 2 - 9 năm, số còn lại có thời gian hoạt động chưa đến 2 năm.
94% doanh nghiệp mở rộng đầu tư
Hầu hết, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều thể hiện rõ niềm tin vào cơ hội phát triển sâu rộng khi ASEAN trở thành một thị trường hợp nhất vào năm 2015. Theo đó, 57% tiết lộ có kế hoạch quốc tế hóa từ năm 2013 - 2015 và sẽ chọn lựa một trong các nước ASEAN làm điểm đến để đầu tư. Đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều so với mức 36,5% của cuộc khảo sát năm 2011 - 2012. Trong khi đó, nếu lần khảo sát trước, Trung Quốc được đến 28% doanh nghiệp chọn lựa làm điểm đến đầu tư thì nay chỉ còn 17%. Tuy nhiên, trong lần khảo sát này, chỉ 6,2% chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư mở rộng, xếp sau kết quả 12,4% chọn Myanmar, 11,4% chọn Malaysia, 8,1% chọn Singapore, 6,8% chọn Indonesia.
Mặt khác, 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư từ năm 2013 - 2015 ở tối thiểu một nước thuộc ASEAN, trong đó có tính cả việc đầu tư ở ngay quốc gia mà doanh nghiệp đang hoạt động chứ không chỉ đầu tư mở rộng ra nước ngoài. Kết quả này cũng mở ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước Đông Nam Á khi có rất ít cách biệt trong kết quả tỷ lệ doanh nghiệp muốn chọn các thị trường mục tiêu ở ASEAN để đầu tư (một doanh nghiệp có thể chọn nhiều quốc gia để đầu tư). Cụ thể, trong số các doanh nghiệp chọn ASEAN để đầu tư mở rộng, 45% doanh nghiệp chọn Singapore, theo sau là: Malaysia (42%), Indonesia (41%), Thái Lan (41%), Myanmar (38%) và Việt Nam (36%).
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng nêu rõ các lý do để đưa đến quyết định mở rộng đầu tư, mỗi công ty có thể đưa ra nhiều lý do để lựa chọn đầu tư: tiếp cận thị trường mới chiếm 79%, cơ sở hạ tầng sản xuất có chi phí thấp chiếm 31%, tiếp cận nguồn tài nguyên chiếm 20%...
Ngô Minh Trí
>> ASEAN - thị trường đầu tư then chốt của Nhật
>> Nhật hỗ trợ ASEAN 20 tỉ USD
>> Năm 2030, giáo dục VN sẽ nằm trong top 5 khối ASEAN
>> Hai nghề mới được đưa vào Hội thi tay nghề ASEAN
>> 23 nghề dự thi tại hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10
>> ASEAN họp về bảo hiểm
Bình luận (0)