Thủ đoạn phổ biến của chúng là bất ngờ đi xe máy cố ý áp sát nạn nhân để xảy ra va quẹt nhẹ, sau đó, dùng số đông đuổi theo, ép xe nạn nhân vào lề đường và yêu cầu tắt máy để “nói chuyện”. Cuộc “nói chuyện” thực chất là một vụ trấn lột công khai. Cũng có khi bọn chúng dùng số đông trấn áp, gây hỗn loạn rồi lợi dụng móc túi nạn nhân. Nạn nhân của chúng thường là những người đi xe máy một mình trên các con đường vắng vào buổi trưa, tối. Nhưng cá biệt, vẫn có những vụ trấn lột người đi xe hơi, diễn ra giữa ban ngày.
Nhiều băng nhóm chuyên thực hiện việc dàn cảnh để trộm cắp tài sản đã bị bắt. Tuy nhiên, những chiêu lừa khá cũ này vẫn tiếp tục được bọn chúng khai thác, càng gần Tết càng có thêm nhiều vụ trấn lột tương tự, gây bất an cho người dân.
Dàn cảnh để “ăn vạ” thực chất là hành vi trấn lột, là trộm cướp!
Là trấn lột, là ăn cướp mà bọn chúng ngang nhiên tổ chức giữa đường phố. Tại sao cái ác, cái xấu có thể lộng hành đến vậy? Tại sao cướp giật, thậm chí giết người cướp của, có thể xảy ra một cách công khai, bất cứ lúc nào, với bất cứ ai, và thủ phạm lại là những đối tượng rất khó ngờ: trẻ vị thành niên, nữ sinh?
Hiện trạng xã hội nhức nhối này xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp: môi trường xã hội, giáo dục, luật pháp, hoàn cảnh kinh tế, gia đình v.v.. Nói phức tạp bởi thực tế cho thấy nhiều kẻ liều lĩnh đi cướp giật dọc đường không hẳn là người nghèo đói. Phức tạp bởi nhiều biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội đề ra nhưng thực hiện thiếu quyết liệt, chưa hiệu quả làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn thông qua những chiêu lừa tinh vi hơn.
Có một thực tế đáng buồn, nhiều người trong chúng ta chưa thực sự quyết liệt với cái xấu. Dường như thái độ xem thường pháp luật của những kẻ trấn lột xuất phát từ hiện tượng thờ ơ, vô cảm trước cái ác vì sợ liên lụy đến bản thân. Kinh tế phát triển, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giãn ra. Chúng ta không thể đòi hỏi quân bình tài sản giữa người giàu kẻ nghèo. Nhưng lý tưởng về một “xã hội công bằng dân chủ văn minh” không cho phép có tình trạng thiếu công bằng trước pháp luật về cách kiếm tiền, thiếu công bằng trước pháp luật về hành vi phạm tội. Có những vụ tham nhũng tiền tỉ được xử nhẹ hều, có những vụ trộm vặt thì xử hàng chục năm tù. Tình trạng coi thường pháp luật - đôi nơi, đôi chỗ - cũng có nguyên nhân từ sự thiếu lòng tin vào pháp luật.
Trở lại với câu chuyện trấn lột bằng thủ đoạn “dàn cảnh ăn vạ”, điều cần làm trước mắt là phải sớm ngăn chặn, khắc chế tình trạng này bằng những nỗ lực của cơ quan chức năng, bằng việc cảnh báo cho người dân biết tự bảo vệ mình.
Giải quyết vấn nạn cướp giật không thể một sớm một chiều, nhưng bất cứ lúc nào, người dân cũng cần được bảo vệ, cũng cần được sống trong sự an toàn, cho nên, chính quyền cần có nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng đó. Về phía cộng đồng, nếu mọi người cùng bắt tay nhau để chống cái xấu với tinh thần nghĩa hiệp, những kẻ lưu manh sẽ không có đất để lộng hành.
Sao Khuê
Bình luận (0)