|
Trong vòng vài ngày, nhân loại đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian, với các dự án của Trung Quốc, Iran và châu u. Cụ thể, vào cuối tuần qua, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống bề mặt chị Hằng trong vòng 4 thập niên. Trong khi đó, Iran lần thứ hai phóng tên lửa chở khỉ vào không gian, và châu u tiếp tục công trình nghiên cứu với mục tiêu cung cấp thực phẩm tươi sống cho các phi hành gia.
Theo Tân Hoa xã, tàu thăm dò Hằng Nga 3 của Trung Quốc đã gửi những bức ảnh đầu tiên ngay sau khi hạ cánh xuống mặt trăng tại Sinus Iridum, tức vịnh Cầu Vồng ở bắc bán cầu, vào khoảng 21 giờ 12 phút (ngày 14.12 giờ Bắc Kinh). Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đáp xuống vệ tinh tự nhiên của trái đất sau Mỹ và Liên Xô. Vài giờ sau đó, thiết bị tự hành Thỏ Ngọc được khởi động, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm bề mặt chị Hằng. Dự kiến Thỏ Ngọc sẽ hoạt động 12 tháng trên mặt trăng, trong khi Hằng Nga 3 chỉ lưu lại 3 tháng.
Trong lúc Bắc Kinh tuyên bố sứ mệnh đáp xuống mặt trăng thành công tốt đẹp, cách đó hơn 6.400 km, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng hoan nghênh thành tựu của các chuyên gia nước này, sau khi “phi hành gia” khỉ thứ hai quay về trái đất an toàn. Thông tấn xã IRNA đưa tin “phi hành gia” khỉ, được đặt tên Fargam, đã được phóng lên không gian bằng tên lửa Pajonesh trước khi khoang chứa tách rời thành công và bung dù xuống mặt đất. Đây là lần thứ hai Iran triển khai dự án đưa khỉ vào không gian trong vòng 12 tháng, và cũng là lần đầu tiên nước này sử dụng nhiên liệu lỏng cho tên lửa phóng.
Nếu so với các thành tựu ở châu Á và Trung Đông, nỗ lực của châu u có vẻ kém thế hơn, nhưng đây là tin vui cho các phi hành gia đang định cư dài hạn trên quỹ đạo trái đất. Theo báo cáo trên chuyên san Food Research International, dự án do Cơ quan Hàng không châu u thực hiện với mục tiêu cải thiện chất lượng bữa ăn cho các phi hành gia đang có tiến triển tốt. Chuyên gia Hy Lạp Thodoris Karapantsios cho hay kết quả thử nghiệm đã xác nhận có thể chế biến khoai tây chiên nóng giòn từ khoai tây tươi trong điều kiện vi trọng lực, hứa hẹn mang lại cảm giác như đang làm việc trên mặt đất.
Quay lại sự kiện tàu thăm dò Hằng Nga của Trung Quốc đáp xuống mặt trăng, có thể nói sứ mệnh chinh phục chị Hằng của chính quyền Bắc Kinh đang khởi động cuộc chạy đua giữa các thế lực không gian mới. Theo sau thiết bị tự hành Thỏ Ngọc, có hơn 10 tàu thăm dò và tàu tự hành chuẩn bị được phóng từ nay cho đến năm 2020, bao gồm các dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Dự kiến Ấn Độ sẽ triển khai sứ mệnh Chandrayaan-2 vào năm 2017, trong khi Hàn Quốc phải đợi đến năm 2020 mới bắt đầu lên mặt trăng. Về phần Nhật Bản, chuyên gia Tatsuaki Hashimoto - trưởng dự án tàu thăm dò SELENE-2 của Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản - cho biết sứ mệnh nghiên cứu mặt trăng hết sức quan trọng nếu muốn tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình tiến hóa của "lục địa thứ 8 của địa cầu".
Hạo Nhiên
>> Trung Quốc phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng vào năm 2017
>> Tàu tự hành của Trung Quốc lăn bánh trên mặt trăng
>> Sự tương đồng bất ngờ giữa mặt trăng và sao Thủy
>> Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
>> Trái đất cổ đại giống như mặt trăng của sao Mộc
Bình luận (0)