Hậu bạo hành trẻ mầm non: 'Hiệu ứng' sợ đến trường

19/12/2013 09:10 GMT+7

(TNO) Sau khi những hình ảnh kinh hoàng về việc các bảo mẫu của nhóm lớp mầm non tư thục Phương Anh đánh trẻ dã man lan truyền rộng rãi, nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đến trường.

 
Dù đã đóng cửa nhóm lớp Phương Anh, nhưng nơi đây vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều đứa trẻ

"Mẹ ơi, sợ lắm!"

Những phụ huynh có con em học ở nhóm lớp Phương Anh trong những ngày nay đi hỏi thăm khắp nơi để tìm trường mới cho con đi học nhưng các bé giờ lại sợ đến trường.

 
Khi chương trình thời sự chiếu đến hình ảnh cô giáo đánh trẻ ở trường, chị Như lặng người khi bé H. không ngớt kêu: “Mẹ ơi, sợ lắm! Tắt đi! Tắt đi!”.

Chị Dương Giường Như, mẹ của bé H. (bé H. khoảng 30 tháng tuổi), từng gửi con ở nhóm lớp Phương Anh được khoảng 5 tháng. Chị Như đã tìm được một chỗ học mới cho H., cách nhà không xa lắm. Nhưng khi vừa đến trường, thấy các bạn đang giờ ăn, H. liền khóc đòi về nhà, không dám vào.

“Cô giáo ở trường mới khuyên nên cho bé ở nhà vài tuần, cho bé quên chuyện cũ rồi hãy cho đi học tiếp. Khổ nỗi, thời gian này tiệm cắt tóc nhiều khách, bà chủ lại không có đủ người làm, giờ đi làm thì không ai trông con”, chị Như nói thêm.

Những ngày này, chị Như phải xin nghỉ việc, ở nhà trông con và dự định qua tháng 12 mới dám cho con đi học trở lại.

Ở ngôi trường mới, thay vì học phí 1 triệu đồng như trường cũ, chị phải cắn răng đóng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng đầu và 1,5 triệu đồng những tháng tiếp theo, với hy vọng môi trường học mới sẽ tốt hơn cho con.

Qua lời chị Như, khoảng 1 tháng trở lại đây, bé H. mới có những biểu hiện sợ đến trường, khóc vã mồ hôi mỗi sáng khi chị dẫn đi học.

“Tôi không nghĩ ở trường bé gặp chuyện gì vì trước đó thấy bé tới trường bình thường, cô giáo lại rất hiền, lúc bé bệnh còn đến thăm. Khi con không chịu đến trường, tôi chỉ nghĩ bé ở nhà được nuông chiều quá”, chị Như tâm sự.

Khi chương trình thời sự chiếu đến hình ảnh cô giáo đánh trẻ ở trường, chị Như lặng người khi bé H. không ngớt kêu: “Mẹ ơi, sợ lắm! Tắt đi! Tắt đi!”.

Trẻ lông nhông

Bà Hai, người bán nước ngay kế bên ngôi nhà từng là nơi giữ trẻ của nhóm lớp Phương Anh, chỉ một cậu bé đang đi bên kia đường, nói: “Thằng P. cũng học ở trường Phương Anh đó. Sáng sáng nó cắp cặp đi học nhìn dễ thương lắm. Mấy ngày nay thì đi lông nhông với mấy đứa nhỏ khác”.

 
Bé P., 4 tuổi, (áo sọc xanh trắng) đi chơi bên vệ đường những ngày này vì gia đình không dám cho đi học

Chị Nguyễn Thị Hằng, dì của P., nói: “Ba mẹ làm công nhân, 9 - 10 giờ đêm mới về nên gửi con cho tôi. Bình thường tôi còn bận đi làm nên phải cho nó đi học”.

Mấy hôm nay, chị Hằng ở nhà nấu nướng cho con ruột, lẫn cháu mình. Còn P., cậu bé 4 tuổi vẫn cùng những đứa trẻ khác rong chơi trong những ngày chưa biết học ở đâu.

“Chắc phải ra tết mới tính tìm chỗ học mới chứ bây giờ thằng P. vẫn còn sợ”, chị Hằng nói.

Theo lời kể của chị Hằng, P. lúc còn học ở trường, thỉnh thoảng bị bầm chân, lở miệng, nhưng khi hỏi thì P. nhất định không kể chuyện gì xảy ra ở trường.

“Cô giáo cháu ăn nói nhẹ nhàng, tính tình nhìn hiền lành dễ thương nên không ai nghi ngờ gì. Đến khi xem trên ti vi về trường P. học thì không biết tin vào đâu...”, chị Hằng cho biết.

Chị Phượng, người buôn bán đối diện căn nhà nhóm lớp Phương Anh, khi nghe thông tin về chuyện trẻ bị hành hạ ngay trước nhà mình, chị đã không khỏi lo lắng. Mặc dù đứa con đang học ở trường khác, nhưng sợ bị con đánh ở trường, chị liền đón con về.

Cũng như chị Phượng, chị Nguyễn Thúy Ngà, quê ở Kiên Giang, cũng là công nhân đang sống trong con hẻm đối diện nhóm lớp Phương Anh, hôm nay cũng “rút” đứa con hơn 1 tuổi đang gửi ở một nhóm trẻ gia đình, về nhà.

Chị Ngà lo lắng: “Thấy người ta hiền lành vậy mà còn đánh trẻ em tàn nhẫn, tôi không dám tin vào ai nữa. Xem chương trình thời sự, hai vợ chồng tôi sợ quá nên quyết định không gửi con ở thành phố nữa, mà đành gửi cháu về nhà ngoại một thời gian. Chờ lớn lớn rồi lại mang lên”.

Chị Ngà cho biết bạn bè của chị có người dù con cái học ở các nhóm trẻ gia đình khác cũng đã mang con về nhà và nghỉ làm mấy hôm nay để trông con vì sợ.

Con công nhân làm sao vào đó được!

Đối với những người công nhân như chị Ngà, việc tìm một chỗ giữ trẻ, nhất là con còn nhỏ, không hề dễ dàng vì không có hộ khẩu, không có tạm trú dài hạn ở thành phố. May mắn thì tìm được nhóm trẻ gia đình tốt, không may thì vào những nhóm trẻ như nhà trẻ Phương Anh.

 
Trường công lập nhận trẻ phải có hộ khẩu, có giấy xác nhận tạm trú dài hạn, chỉ giữ tới 4 giờ 30 chiều, không giữ thứ bảy, chủ nhật nên con công nhân làm sao vào đó được. Học ở trường công lại được lợi là tiền học phí rẻ, trẻ lại được uống sữa ở trường...
Chị Trần Thị Ngân

Anh Hoàng Tuấn, một người làm nghề bán phụ tùng xe, quê ở Bến Tre, cũng ngược xuôi vất vả khi có con nhưng không tìm được nơi gửi.

Vợ anh cùng với đứa con hơn 8 tháng tuổi vẫn ở Bến Tre để vừa chăm con, vừa tiết kiệm chi phí ăn ở. Có khi vài tuần hay cả tháng, cả nhà mới đoàn tụ một lần.

“Thỉnh thoảng tôi về quê thăm vợ con, có khi thì cả vợ con lên đây chơi. Phải ráng chịu đựng vài năm đầu chứ con nhỏ quá, không biết gửi đâu mà đi làm”, anh Tuấn tâm sự.

Cũng quê ở Bến Tre, gia đình chị Trần Thị Ngân cũng từng khổ sở vì chuyện phải gửi con về quê cho ngoại giữ khi phải đi làm ở thành phố.

Chị Ngân kể: “Hồi con chưa được 2 tuổi, tôi và chồng phải gửi về quê. Nhiều khi nhớ con lắm nhưng đành chịu. Cứ 1 - 2 tuần thì hai vợ chồng lại thăm con một lần”.

Do làm công nhân phải làm từ thứ 2 đến thứ 7, nhiều khi tăng ca ngày chủ nhật, tối 7 - 8 giờ mới xong việc, những người công nhân như chị Ngân không còn cách nào khác phải tìm nơi giữ trẻ ở những trường tư hoặc nhóm trẻ gia đình.

“Trường công lập nhận trẻ phải có hộ khẩu, có giấy xác nhận tạm trú dài hạn, chỉ giữ tới 4 giờ 30 chiều, không giữ thứ bảy, chủ nhật nên con công nhân làm sao vào đó được! Học ở trường công lại được lợi là tiền học phí rẻ, trẻ lại được uống sữa ở trường...”, chị Ngân ngậm ngùi.

Hiện tại, con gái chị Ngân đã được 2 tuổi rưỡi và cũng phải gửi ở một trường tư với giá 1,1 triệu đồng/tháng. Nhìn con quấn lấy chân mẹ mỗi chiều, chị vẫn nhớ như in cách đây nửa năm, khi con gái lên thành phố ở cùng ba mẹ: “Nó ở quen với ngoại, tối nhất định không chịu ngủ với ba mẹ. Bà ngoại phải lên ở cả tháng để nó không khóc và đòi về Bến Tre. Nhìn cảnh con khóc không chịu ở với ba mẹ mà đau lòng!”.

Bài, ảnh: Hữu Tâm

>> Bé 1 tuổi bị gãy 2 chân khi gửi nhà trẻ
>> Dài cổ chờ nhà trẻ - Kỳ 2: Nhiều công trình đang nằm... trên giấy
>> Dài cổ chờ nhà trẻ
>> Pháp: Nhà trẻ phải dành 10% chỗ cho trẻ nghèo
>> Bé 2 tuổi tử vong tại nhà trẻ tư nhân
>> Bé trai 15 tháng tuổi chết tại nhà trẻ
>> Cháu bé 5 tuổi chết đuối tại nhà trẻ không phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.