Lãng phí chợ bỏ hoang

18/12/2013 09:43 GMT+7

Nhiều ngôi chợ được xây dựng bề thế ở Bình Phước đang bị bỏ hoang. Thậm chí có những ngôi chợ được đầu tư tiền tỉ nhưng lại nằm nằm chỏng chơ, phơi nắng phơi mưa, không sử dụng được và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Lãng phí chợ bỏ hoang

Chợ Hoàng Diệu xây tiền tỷ sẽ trở thành kho phơi nông sản

Lãng phí chợ bỏ hoang2

Chợ Minh Đức vắng như chùa bà đanh - Ảnh Phước Hiệp

Lãng phí tiền tỉ

Vào năm 2002, chợ Minh Đức (xã Minh Đức, H.Hớn Quản, Bình Phước) bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là ngôi chợ nông thôn được xây dựng theo Chương trình 135 của Chính Phủ với số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng. Thời gian đầu có 38 hộ đăng ký kinh doanh, được 3 tháng do buôn bán ế ẩm, các hộ đã tự rời bỏ chợ. Sau khi UBND xã vận động thì có khoảng chục hộ trở lại kinh doanh nhưng cũng chỉ được vài tuần lại bỏ chợ do ế khách. Suốt hơn 10 năm qua, ngôi chợ này hiện vẫn bị bỏ hoang và đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện chỉ thấy trâu bò vào trú mưa, nắng.

Tương tự, chợ Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, H.Bù Gia Mập), được xây dựng từ năm 2007 với kinh phí 560 triệu đồng, tổng diện tích hơn 3.000m2 nhưng hiện vắng như chùa bà đanh. Thời gian đầu có hơn 20 hộ kinh doanh nhưng được khoảng 1 tháng lại dọn đi vì quá ế ẩm. Thấy chợ xây xong bỏ hoang, lãnh đạo xã Phú Nghĩa tiếp tục vận động các hộ tiểu thương quay về chợ nhưng cũng chỉ được vài ngày họ lại bỏ chợ. Suốt 6 năm bỏ hoang, ngôi chợ đang dần xuống cấp, hư hại. Một lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa cho biết: “Chợ Phú Nghĩa bỏ hoang do xây dựng “nhầm” địa điểm. Thay vì xây dựng tại trung tâm xã Đắk Ơ, nơi có đông đảo tiểu thương, dân cư sinh sống thì chợ lại được xây dựng tại xã Phú Nghĩa. Do vắng khách nên những năm qua, xã đã nhiều lần vận động bà con tiểu thương nhưng chẳng có hộ nào chịu vào kinh doanh buôn bán, mặc dù khi vào chợ các hộ tiểu thương không phải đóng góp bất cứ khoản thuế nào”.

Lãng phí nhất là chợ biên giới Hoàng Diệu (xã Phước Thiện, H.Bù Đốp), nằm cách cửa khẩu biên giới Hoàng Diệu hơn 3km. Ngôi chợ này được Sở Thương mại - Du lịch trước đây (nay là Sở Công thương) đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, với chức năng là nơi giao thương, trung chuyển hàng hóa giữa hai huyện Keosima (Campuchia) và H.Bù Đốp (Bình Phước). Thời gian đầu cũng có 52 hộ tiểu thương vào đăng ký kinh doanh, buôn bán nhưng được 3 tháng chợ vắng khách nên các hộ kinh doanh đã bỏ chợ. Và từ giữa năm 2006 đến nay công trình này vẫn bị bỏ hoang. Bà Hà Thu Hiền, một người sống gần chợ Hoàng Diệu nói: “Nhìn cái chợ hoành tráng bị bỏ hoang người dân cũng xót lắm nhưng vào đó bán thì cầm chắc lỗ vì không có khách. Nhìn cảnh vắng hoe chúng tôi hay gọi đùa là chợ “bảo tàng”. 

Trở thành kho phơi nông sản

Theo báo cáo của Sở Công thương Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 ngôi chợ bị bỏ hoang hoàn toàn và một vài chợ đang kinh doanh lay lắt. Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng đã không khảo sát tốt địa điểm xây chợ. Mặt khác, đa phần các hộ tiểu thương không mặn mà vì kinh doanh, buôn bán ế ẩm. Nhiều hạng mục công trình xuống cấp, không hàng rào bảo vệ, không cửa khoá. “Hiệu quả” duy nhất của những ngôi chợ này là để những người dân sống xung quanh tận dụng làm sân phơi hàng hoá nông sản, nơi tổ chức hội chợ, ca nhạc, chăn thả gia súc, gia cầm hoặc làm sân đá bóng cho trẻ con…

Theo ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước, để tránh gây lãng phí tiền ngân sách, Sở đã chủ trương cho chuyển công năng các chợ bỏ hoang nói trên. Cụ thể, chợ Hoàng Diệu sau nhiều năm nằm phơi mưa, phơi nắng nay mang bán đấu giá được hơn 1,3 tỉ cho một doanh nghiệp để làm nhà kho, sân phơi  nông sản trong…tương lai. Bên cạnh đó, để giải quyết dứt điểm, Sở đã đề nghị UBND tỉnh cho chuyển các chợ bỏ hoang làm nhà văn hóa cộng đồng, nhà học tập cộng đồng, khu vui chơi giải trí… “Vừa qua Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống chợ nông thôn để có hướng xử lý, khắc phục hậu quả và hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước”.Ông Uy nói.

 Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.