Tiếng nói từ Trung Đông

22/12/2013 14:35 GMT+7

(TNTS) Là biểu tượng của cái đẹp, là tiếng nói của giới nữ và là đại diện cho một quốc gia Trung Đông hiện đại, hoàng hậu Rania Al Abdullah của Jordan lại khiến mọi người xôn xao khi xuất hiện tại Nam Phi. Không khuấy động thế giới như những năm trước, Rania khép lại năm 2013 với những hoạt động trầm hơn nhưng đầy ý nghĩa.

Tiếng nói từ Trung Đông 1

Vua Abdullah II của Jordan đã cử Rania và Thủ tướng Abdullah Ensour tham gia lễ tưởng niệm ông Nelson Mandela cùng với hơn 90 lãnh đạo các nước trên thế giới. Không phải chỉ riêng sự kiện này, Rania từ lâu đã được chồng - người đứng đầu quốc gia hơn 6,5 triệu dân tín nhiệm và từ lâu đã giành được tình cảm của người dân nơi đây.

Thu hẹp những khoảng cách

Sinh ra trong một gia đình Palestine ở Kuwait, Rania al Yassin theo học đại học ở Cairo (Ai Cập) lấy bằng quản lý kinh doanh. Rồi khi chiến tranh vùng Vịnh nổ ra năm 1991, giống như nhiều người Palestine khác, gia đình Rania phải chuyển đến Jordan để 2 năm sau duyên số đưa Rania đến với hoàng tử Abdullah II bin al-Hussein - người chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lên ngôi vua. Tình yêu nảy nở ngay lần đầu gặp gỡ giữa một cô gái thường dân trẻ tuổi và một nhân vật hoàng gia để sau 6 tháng họ tổ chức đám cưới.

Tiếng nói từ Trung Đông 2

Tiếng nói từ Trung Đông 3

Chính xuất phát điểm không liên quan gì đến hoàng gia của Rania là điều mà Abdullah, lên ngôi vua năm 1999, nhấn mạnh khi phong Rania làm hoàng hậu. Theo ông điều đó giúp Rania “kết nối mạnh mẽ hơn với những hy vọng và quan điểm của người dân”. Từ năm 1999 đến nay, Rania luôn đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của những đối thoại giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết và thừa nhận lẫn nhau trên thế giới. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Jeddah 2004, bà kêu gọi các quốc gia chọn con đường dấn thân hơn nữa để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Diễn đàn kinh tế thế giới, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu... là những sự kiện lớn mà Rania đã tích cực thể hiện vai trò làm cầu nối giữa thế giới phương Tây và Ả Rập. Cái tên Rania trên hội đồng quản trị của Quỹ thanh niên thế giới, Quỹ Liên Hiệp Quốc, Quỹ hỗ trợ cộng đồng quốc tế đã khẳng định tầm ảnh hưởng lớn của bà trong các hoạt động quốc tế.

Rania, từng làm việc cho Apple, thường được gọi là “đệ nhất phu nhân hiện đại” bởi đã biết biến công nghệ thành công cụ phục vụ cho “sự nghiệp xua tan những định kiến của phương Tây về thế giới Ả Rập”. Khởi đầu với kênh riêng trên YouTube năm 2008, Rania dần trở thành một cái tên nổi tiếng trên thế giới mạng với Facebook, Twitter và ngày 11.12 vừa qua là trang Instagram. “Internet ngày càng trở nên nhân văn hơn. Mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta đều hiển hiện rõ trên mạng, giúp chúng ta biết thấu hiểu và vị tha”, Rania chia sẻ. Người phụ nữ tự giới thiệu về mình là “một người mẹ, một người vợ với một công việc rất thú vị” cập nhật đều đặn trên các trang mạng của mình về những chuyến đi cho mục đích từ thiện, về những chuyến công du trong vai trò hoàng hậu Rania và về cuộc sống hằng ngày.

Năm 2009, Rania được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới vì những nỗ lực lớn lao của bà nhằm thu hẹp những khoảng cách về giới, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ ở Trung Đông. “Với tôi, đó là một vinh dự và là một đặc ân để từ đó tạo ra thay đổi”, bà phát biểu. Những cải cách mạnh mẽ mà hoàng hậu Rania tạo được trong giáo dục, y tế đã phần nào phản ánh được những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Jordan kể từ khi vua Abdullah II lên nắm quyền. Từ năm 1995 đến nay, Quỹ Jordan River mà bà cùng chồng lập ra đã giúp thay đổi cuộc sống của biết bao phụ nữ và trẻ em khắp Jordan.

Nhà văn của trẻ em

Sức hút của Rania không chỉ tập trung trên các diễn đàn, trong các hoạt động nhân đạo mà còn lan tỏa trong lĩnh vực văn chương. Bà mẹ bốn con ấy bắt đầu viết sách năm 2000 với cuốn The King’s Gift. Tiền bán cuốn sách thiếu nhi viết về vua Hussein ấy được dành cho trẻ em may mắn ở Jordan. Cuốn sách thứ 2 của bà Eternal Beauty đã lay động con tim của hàng trăm ngàn độc giả nhí khi kể lại cuộc trò chuyện của một cô gái với chú cừu nhỏ.

Hành trang cuộc sống của những cô gái nhỏ tuổi cũng là nguồn cảm hứng để Rania viết tiếp cuốn Maha of the Mountains và The Sandwich Swap - từng lọt vào top sách thiếu nhi bán chạy nhất của tạp chí The New York Times năm 2010.

Biểu tượng thời trang

Từ tạp chí thời trang danh tiếng Vogue đến Harper’s Bazaar, Rania luôn được ưu ái có mặt trong danh sách những phụ nữ đẹp nhất thế giới. Và năm nay, dù đã 43 tuổi, Rania lại góp tên trong danh sách những đệ nhất phu nhân mặc đẹp nhất thế giới của tạp chí Vanity Fair cùng với “những người đồng cấp” Samantha Cameron (Anh), Michelle Obama (Mỹ), Angelica Rivera (Mexico), Dorrit Moussaieff (Iceland)...

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là tạo ra phong cách hoàng gia riêng của chúng tôi”, Rania từng phát biểu như vậy. Bà được xem là có gu thời trang đơn giản nhưng tinh tế với những lựa chọn hàng đầu dành cho Elie Saab và Dior. Rania cho biết bà không dành nhiều thời gian suy nghĩ về thời trang nhưng vẫn ý thức được tiếng nói của thời trang trong các sự kiện quan trọng. “Tôi nghĩ rằng phong cách truyền tải được những điều cốt lõi bên trong”, bà chia sẻ. Hình ảnh của đệ nhất phu nhân Jordan ngày càng tỏa sáng không riêng gì bởi phong cách thời trang thanh lịch mà quan trọng hơn bởi “công việc của một chuyên gia nối kết” mà Rania đã thể hiện bao nhiêu năm qua. Rania, trong mắt cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton”, là “tiếng nói mạnh mẽ của phụ nữ và trẻ em ở Jordan và của những nơi không được biết đến nhiều”.

 Nguyệt Hàn
(theo Vogue, Telegraph, qrce.org)

>> Jordan: Biểu tình rầm rộ đòi lật đổ chế độ Vua Abdullah II
>> Ngôi sao phim Lawrence xứ Ả Rập qua đời
>> Công tử' Ả Râp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.