|
Giúp giải tỏa bớt nhiều băn khoăn, lo lắng của dân mạng khi “không biết liệu con, em mình có bị bạo hành khi đến lớp hay không?”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã đưa ra các dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị bạo hành. Ông Hiếu khuyên các bậc phụ huynh thường xuyên kiểm tra bé có vết bầm, trầy trên người, vết xước, đầu bị u, bị đau... Sau khi đăng tải trên Facebook, bài viết thu hút sự quan tâm với hơn 6.000 lượt yêu thích, gần 800 lượt chia sẻ.
Tránh trường hợp có nhiều bảo mẫu hành động khéo léo và biết cách che giấu hành vi sai trái, thạc sĩ Hiếu lưu ý thêm những biểu hiện như: trẻ luôn gào khóc không muốn vào lớp, sợ hãi khi thấy cô giáo, hành vi lệch lạc so với chuẩn bình thường (cứ lầm lì, nhút nhát, hay sợ sệt hoặc ngược lại, dễ cáu, dễ thét, dễ bùng nổ cảm xúc)... có thể là dấu hiệu trẻ bị bạo hành.
Ở nhiều diễn đàn khác, đặc biệt là các trang web với phần lớn thành viên đang làm cha mẹ như: lamchame.com, umexvietnam.com, webtretho.com... có rất nhiều ý kiến, bình luận xoay quanh việc làm sao nhận biết con mình bị bạo hành. Thành viên có tên hoangngoclan phân tích trên trang linkhay: “Khi đó trẻ em sẽ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh, hành động quát tháo, hù dọa dẫn đến ác mộng, cảnh đau đớn bất an. Chưa kể sẽ dẫn đến việc trong đầu bé hình thành suy nghĩ trường học không thú vị và vui vẻ mà chỉ là nơi hành xác. Nhắc đến trường trẻ sẽ sợ hãi, gây trở ngại cho việc đi học về sau”.
Trên Facebook, Mai Hà viết: “Nếu trẻ là nạn nhân của bạo hành sẽ luôn chống đối, thù ghét, sợ hãi người lớn; luôn xem người lớn là một tác nhân không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Về lâu dài, có thể dẫn đến hội chứng ám sợ xã hội, giao tiếp, ám sợ những người khác xung quanh mình”.
Khuyến khích trẻ kể chuyện trường lớp
Dân mạng cũng hiến kế cho nhau nhiều cách để có thể tránh gây hậu quả lâu dài cho trẻ em khi bị bạo hành. Thành viên Babethao chia sẻ ý kiến trên webtretho: “Hãy bù đắp những cảm xúc tích cực cho trẻ bằng những cách như: dắt trẻ đi chơi, đi xem phim hoạt hình, dẫn đến nơi trẻ yêu thích. Hoặc có thể kể những câu chuyện nhân văn người tốt, dẫn trẻ làm quen với những người thân trong gia đình như ông, bà, dì, cậu... để trẻ biết được có rất nhiều người lớn thương yêu mình chứ không hẳn như trong ám ảnh về những bảo mẫu vô lương tâm”.
Để có thể phòng ngừa những vụ việc tương tự xảy ra, thạc sĩ Hiếu khuyên: Nếu trẻ lớp chồi hay lớp lá đã biết nói, nên thường xuyên tập cho trẻ kể chuyện ở lớp, ở trường. Nếu trẻ còn quá bé, không biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng đột xuất ghé thăm con vào giữa giờ nghỉ trưa, thậm chí giữa giờ làm việc, giữa giờ ăn để quan sát bảo mẫu.
Vì trẻ không có khả năng tự bảo vệ và dễ tổn thương, khi bị bạo hành, di chứng để lại có thể là cả cuộc đời, khó thể xóa được ký ức kinh khủng đó, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Thế nhưng, nhiều dân mạng cho rằng khung hình phạt cho hành vi bạo hành còn nhẹ (từ 1 - 3 năm cho tội hành hạ người khác). Nickname nguoitretho kiến nghị trên webtretho: “Như vậy là không đủ sức để răn đe. Cần có hình phạt thích đáng hơn”.
Bình luận “Hãy tìm hiểu và lựa chọn thật kỹ lưỡng nơi mình gửi trẻ, nhất là những cơ sở tự phát, tư thục”. (Vũ Hoàng/YouTube) “Bắt buộc tất cả các cơ sở nuôi dạy trẻ, trường mầm non muốn có giấy phép hành nghề phải lắp hệ thống camera có phát trực tiếp qua mạng internet. Như vậy bố mẹ của các cháu có thể xem tình trạng của con mình bất cứ lúc nào, ở đâu thông qua máy tính hay điện thoại”. (Dũng CR/Facebook)) “Thanh tra rà soát thường xuyên, đặc biệt là chú ý trình độ chuyên môn các bảo mẫu”. (Vũ Thị Cúc/Facebook) |
Nguyễn Thanh Nam
>> Báo động tình trạng trẻ bị bạo hành
>> Những đứa trẻ bị bạo hành
>> Đấu giá' trên Facebook làm việc thiện
>> Cấm giáo viên và học sinh trao đổi qua Facebook
>> Rao bán con gái 2 tuổi trên Facebook
Bình luận (0)