Minh họa: Văn Nguyễn |
Khi chúng tôi đến tặng quà Giáng sinh cho các em ở nhà trẻ tình thương Họ đạo Búng (Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương), câu chuyện về các bé tự kỷ ở đây nghe thật thương tâm.
Câu chuyện thứ nhất
Thằng “lỳ” là tên “thân mật” các cha và các bạn ở đây gọi cu T. Em đến nhà tình thương khi mà tâm hồn em đã tổn thương đến tận cùng và thân thể chịu nhiều trận đòn đến mức không còn biết đau là gì. Người phụ trách ở nhà tình thương này cho biết ba em là một “con nghiện game”. Không rượu chè cờ bạc mà chỉ nghiện game và không ngó ngàng gì đến con cái. Con học dở - đánh! Con làm phiền khi ba đang chơi game - đánh! Giận vợ cũng đem con ra hành hạ. Thằng bé ngày càng trây lỳ cảm xúc và riết rồi đánh nó cũng không thèm khóc.
Vào sống cùng mấy chục bạn ở nhà tình thương, cu T. kiếm chuyện đánh hết tất cả. Những đứa trẻ thường khóc ré lên khi đi gần nó hay ngồi ăn cùng bởi vô cớ bị T. đánh. Một lần, có người đem kem đến cho, cu T. đang ngủ nên không ăn được. Bình thường, T. sẽ được để phần trong tủ lạnh nhưng lần đó thiếu kem. Thế là khi ngủ dậy, bị bạn bè trêu “ham ngủ mất phần ăn”, cu T. nổi giận đánh hết tất cả những ai em gặp từ tầng lầu xuống tầng trệt! Thế nhưng, lúc bị bạn đánh lại hay nhéo, cắn nó vẫn tỉnh bơ. Mọi người hỏi nó sao không khóc, nó nói “con có thấy đau đâu mà khóc?”. Nhận biết đây là một ca tự kỷ bởi em không biết sợ nguy hiểm, không sợ đau, ít trò chuyện… nên các cha ưu tiên chăm sóc cho T. Sau một thời gian, T. mới dần hòa đồng với bạn bè và ít “chống đối” như hồi mẹ em đem gửi vào nhà tình thương này.
Câu chuyện thứ hai
“Các anh chị đừng nói tới bệnh viện, bác sĩ hay từ thuốc men gì đó. Bé N. mà nghe tới những từ đó là khóc dỗ không nín luôn” - đó là lời của những người ở nhà tình thương dặn chúng tôi về bé N., cô bé có gương mặt rất xinh xắn nhưng trông nhỏ hơn so với tuổi.
Ba em mất cách đây mấy năm. 3 mẹ con thuê phòng trọ sống. Do quá vất vả và bệnh không được chữa trị kịp thời, mẹ bé N. ngất lịm đi. Anh trai không có ở nhà, bé N. tưởng mẹ đã chết (giống ba trước đó) nên khóc thét lên. Rồi em lay mẹ dậy, gọi hàng xóm đưa mẹ đi bệnh viện. Hơn chục ngày ở bệnh viện bé chăm sóc cho mẹ. Một đứa trẻ mới 6 - 7 tuổi đầu đã phải đi xin cơm, cháo từ thiện của bệnh viện cho mẹ ăn. Bé sợ nghe nói đến bác sĩ, sợ nghe từ thuốc hay bệnh, chết... Cú sốc quá lớn khiến một đứa trẻ rơi vào trầm cảm. Mẹ em không còn cách nào để lo cho con nên sau khi ra viện, chị dẫn cả 2 đứa con đến gửi nhà tình thương Họ đạo Búng. Thỉnh thoảng chị đến thăm con. Bé N. thường lủi thủi chơi một mình. Em sợ đám đông, sợ tiếng ồn và hay giật mình. Em không chơi cùng các trẻ khác khi chúng tôi tổ chức trò chơi cho các em mà chỉ đứng thui thủi một mình ở cầu thang nhìn xuống sân.
Những đứa trẻ tự kỷ rất cần được yêu thương, chăm sóc đúng cách. Thương hơn nữa khi các em bị ảnh hưởng do cuộc sống thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của người thân...
Hương Cần
Bình luận (0)