Vị tướng có tình thương bao la

26/12/2013 03:45 GMT+7

Hầu hết các nhân chứng khi nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều nghẹn ngào rơi nước mắt, tiếc thương vị Đại tướng tài ba, có lòng thương người hiếm thấy.

 Vị tướng có tình thương bao la
Vợ chồng thiếu tướng Đặng Văn Duy và tác giả - Ảnh: Thu Hà

Đại tướng làm “chủ hôn”

Với vợ chồng thiếu tướng Đặng Văn Duy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là ân nhân mà còn là người tác hợp cho họ nên duyên vợ chồng. Ngày đó, ông Duy được điều về làm thư ký đối ngoại cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở cơ quan Tổng cục Chính trị, Bộ tổng tham mưu. Vợ ông Duy, cô Phạm Thị Mỹ, cũng là cán bộ quân y. Hai người làm việc cùng cơ quan Bộ tổng tham mưu và đã có tình ý với nhau. Tuy nhiên, gia đình cô Mỹ lại không ưng ông Duy. Biết vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đứng ra tác hợp và làm chủ hôn tổ chức lễ cưới cho họ. Quà mừng cưới của Đại tướng là một quả táo và họ đã sống với nhau hạnh phúc đến nay.

Ngoài vợ chồng ông Duy, Đại tướng còn làm chủ hôn cho vợ chồng ông bà Phạm Đức Nhuận và Võ Thị Thể, hai cán bộ đồng hương Thừa Thiên-Huế của Đại tướng. Câu chuyện được trung tướng Lê Tự Đồng kể lại như sau: “Một hôm, tôi đến thăm, hỏi ý kiến về việc ghép đôi cho anh chị Phạm Đức Nhuận và Võ Thị Thể. Nghe vậy, Đại tướng vỗ bàn: “Hay quá! Hai anh chị ấy đẹp đôi quá! Khi nào tổ chức đám cưới thì làm tại nhà mình nhé”. Thế là sau đó, đám cưới của hai người được tổ chức tại nhà Đại tướng và ông cũng chính là người chủ hôn cho đám cưới này”. 

Thấy việc là làm ngay

Thiếu tướng Đặng Văn Duy vẫn còn nhớ như in một lần theo Đại tướng đi công tác, khi đứng chờ tại bến phà, Đại tướng thấy một người lính ngồi ở góc, vẻ mặt rất buồn. Đại tướng hỏi thăm, chiến sĩ đáp: “Mẹ tôi bị ốm, đơn vị cho về phép. Được về kiểu này thà ở lại đơn vị chiến đấu còn vui hơn”. Đại tướng hỏi: “Sao được về phép mà lại không vui?”, người lính trả lời: “Thời gian nghỉ phép ngắn quá, trong khi nhà tôi ở xa, chưa đi vào được đến đó e phải quay ra lại vì hết phép”. Đại tướng bảo: “Đâu, giấy phép của cậu đâu, đưa tớ xem”. Cầm tờ giấy phép của người lính, Đại tướng viết ngay vào: “Cho thêm 5 ngày phép để về quê chăm mẹ ốm”, ký tên Nguyễn Chí Thanh. Người lính lúc này mới biết rằng mình gặp Đại tướng, anh ta mừng đến rơi nước mắt.

Theo thiếu tướng Đặng Văn Duy, điều đặc biệt hơn là sau khi trở lại cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng đã triệu tập ngay một hội nghị và cũng từ hội nghị này, số ngày phép của chiến sĩ trong toàn quân đội được tăng thêm thành 15 ngày, thay vì trước đây chỉ 10 ngày. Thiếu tướng Đặng Văn Duy thuật lại, sau khi viết giấy tăng thêm ngày phép cho người lính, Đại tướng còn trăn trở: “Chiến sĩ bộ đội, đi tham gia cách mạng là niềm tự hào của mỗi gia đình, thế nhưng đi chiến đấu xa quê lâu ngày, khi về không có chút tiền để mua quà cho bố, cho mẹ, mua bánh kẹo cho em… là không được”.  Từ câu chuyện này, không chỉ ngày phép được tăng thêm, mỗi chiến sĩ khi đi phép còn được đơn vị cấp thêm tiền để mua quà cho gia đình. 

Cõng lính qua suối

Câu chuyện Đại tướng cõng lính qua suối được nhà thơ Hoàng Cầm (nguyên Đoàn trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị) kể lại. Đó là thời gian nhà thơ phụ trách đoàn văn công Việt Bắc đi phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951. Nhà thơ Hoàng Cầm kể: Hôm ấy, đang đi thì gặp một con suối to. Khi chuẩn bị qua suối thì gặp một anh cán bộ chỉ huy đi đôi giày “ghệt” ống ngắn trông dáng rất oách. Thấy con suối có dòng nước chảy mạnh, lòng suối nhiều tảng đá to nhỏ và trơn, anh ta bèn quay mặt sang hai bên, nói với giọng vừa hách vừa gần gũi: “Cậu nào cõng tớ qua suối một tí”. Trong lúc mọi người chưa kịp phản ứng gì thì Đại tướng đã xông ngay lên mấy bước, nói gọn ghẽ: “Báo cáo! Để em cõng ạ”.

Được vài bước, anh ta hỏi chuyện: “Thế cậu ở C nào?”. Đại tướng đáp: “Báo cáo anh, em ở Tổng cục ạ”. Anh cán bộ có vẻ sửng sốt và bối rối, giọng dịu lại: “Chết! Dạ, thế anh ở Tổng cục nào? Bên Tham mưu hay bên Hậu cần ạ, hay bên Chính trị?”. “Dạ báo cáo anh, em ở Tổng cục Chính trị ạ”, Đại tướng đáp. Anh cán bộ ngồi trên lưng càng tỏ ra luống cuống, cố gặng hỏi: “Dạ… anh ở phòng nào bên Tổng cục ạ?”. “Dạ báo cáo anh, em chả ở phòng nào cả, em ở tất cả các phòng”, Đại tướng vẫn bình thản. Lúc này, anh cán bộ mới hoảng hốt: “Ấy… dạ… thưa thế tên anh là gì ạ?”. Đại tướng nhỏ nhẹ nói: “Dạ, báo cáo anh, em là Nguyễn Chí Thanh”. Anh cán bộ ngồi trên lưng Đại tướng giật bắn người, giọng run như chiếc lá: “Úi giời ui! Em lạy anh! Anh tha cho em ạ. Anh cho em xuống ạ”. Nói rồi anh ta ngồi trên lưng Đại tướng bắt đầu quẫy mạnh nhưng Đại tướng lại càng vít chặt hai cái mông khá to của anh ta. “Thì lính tráng với nhau cõng nhau có gì đâu mà lo. Cứ ngồi yên, chỗ này sâu đây, trơn lắm!”, Đại tướng cứng rắn giọng.

Khi sang bờ suối bên kia, anh cán bộ quỳ mọp xuống đất: “Dạ! Anh tha tội cho em, em không biết anh là…”. Đại tướng vẫn tươi cười, vỗ vai anh chỉ huy, nhấc anh ta đứng lên: “Tớ nhắc lại nhé. Cùng là lính với nhau cả. Cậu đừng băn khoăn gì nhá. Này tớ hỏi cậu, chức vụ gì, tiểu đoàn nào, trung đoàn nào?”. Anh chỉ huy lắp bắp trả lời... và sau đó không hề bị phê bình, kỷ luật gì, nhưng câu chuyện đã lan truyền nhanh như một giai thoại, trở thành bài học cho chiến sĩ trong toàn quân.

Bùi Ngọc Long 

>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Thăm nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.