Bàn về luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng trình ngày hôm qua (25.12) trong phiên họp về Chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu luật phải mở theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà ở VN.
|
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tuy là luật sửa đổi nhưng dự luật “gần như làm lại hoàn toàn” với hơn 80 điều và 3 chương. Một trong những nội dung của dự luật là mở rộng đối tượng và điều kiện cho người Việt định cư ở nước ngoài cũng như tổ chức, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại VN. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc này nhằm huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng trong nước phát triển...
"Mở tối đa"
Chia sẻ với quan điểm này, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhắc lại việc từng đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ để bán nhà cho người nước ngoài, góp phần tháo gỡ tồn kho bất động sản. Theo ông Vinh, hiện nhiều người vẫn bị lối tư duy trì trệ sợ người nước ngoài mua nhà rồi... chiếm VN. Thực tế, khối bất động sản tồn đọng chủ yếu là căn hộ cao cấp, biệt thự để trống trong khi số lượng người nước ngoài vào định cư ở VN khi hội nhập quốc tế đang tăng.
Theo số liệu được ông Vinh đề cập, hiện VN có tới 130.000 người Hàn Quốc và phải thuê nhà của người Việt vì không được mua, lúc thuê lại trốn lậu thuế. Vì vậy, ông Vinh khẳng định nếu quy định mở hơn như để họ được mua một cách bình thường, có thời hạn thì chắc chắn sẽ có nhiều người nước ngoài mua nhà. Đây chính là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngay trong năm 2014. "Tiền nằm ở khối nước ngoài, vì sao không cho phép họ được sở hữu nhà ở VN? Cần quyết định mạnh mẽ việc này", ông Vinh nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tán thành với quan điểm của Bộ trưởng KH-ĐT và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để "mở tối đa" quy định này, chỉ trừ những đối tượng bị kiểm soát an ninh. Vấn đề còn lại là cách thể hiện trong luật cho chặt chẽ, phù hợp với luật Đất đai (sửa đổi) và bộ luật Dân sự. "Cứ thò thụt như hiện nay rất khó quản lý. Tôi tìm hiểu ở Singapore, người nước ngoài cứ nhập cảnh vào là mua, bán thoải mái nhưng thuế rất chặt. Cứ mua bán là thu thuế. Bỏ không, không ở cũng thu thuế", Thủ tướng cho hay.
Thí điểm ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu thực trạng hiện nay việc cấp vốn cho nhà ở chủ yếu từ thuế, ngân sách nhà nước hoặc từ người dân, các thành phần kinh tế nhưng đa số thiếu nguồn lực. Việc tạo lập nhà ở cũng chủ yếu dựa vào vay vốn ngân hàng thương mại - nơi vốn không vay được nhiều do lãi suất cao. Trong khi đó, ở nước ngoài, vay mua nhà lãi suất rất thấp chỉ từ 1-3%/năm. Thậm chí, theo Bộ trưởng Xây dựng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nói ưu đãi nhưng lãi suất vẫn quá cao, đến 6%/năm. Vì vậy, ông đề xuất nên thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực cho thuê, cho vay, mua nhà ở. “Nếu lập mô hình này chưa phù hợp với luật thì nên thực hiện thí điểm, đây là vấn đề gợi mở”, Bộ trưởng Xây dựng nói.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết có hai vướng mắc. Thứ nhất, ngân hàng tiết kiệm nhà ở cho vay kỳ hạn dài sẽ khó khăn khi giá cả bất động sản biến đổi và lãi suất thường biến động. Thứ hai, do chưa có hỗ trợ của nhà nước nên không thể hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại mà phải hoạt động theo dạng ngân hàng chính sách. Về mặt pháp lý là chưa có tính khả thi, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chưa nên lập.
Thủ tướng cũng yêu cầu khi sửa luật phải cân nhắc thận trọng mô hình này và tính toán kỹ trước khi đưa vào. “Cái gốc là muốn làm nhưng phải tính toán trên cơ sở chính sách cần có đề án thí điểm, nhưng hoàn toàn theo luật hiện hành. Nếu khả thi thì thực hiện theo dạng ngân hàng chính sách kiểu ngân hàng phát triển hiện nay”, Thủ tướng nói.
Không để nợ đọng văn bản pháp luật Thảo luận về chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 2 năm 2012-2013 tình hình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật có tích cực hơn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nợ đọng. Nguyên nhân do ý thức của bộ, ngành chưa cao, bộ máy quản lý còn nhiều bất cập. Năm 2014, Chính phủ phải ban hành 182 văn bản, nhiệm vụ khá nặng nề, Thủ tướng yêu cầu nghị định nào thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành thì phải chịu trách nhiệm, kiên quyết không để nợ văn bản. |
Anh Vũ
Bình luận (0)