Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính sách năm 2014 giúp tăng cầu, giảm tồn kho cho doanh nghiệp để tạo động lực phát triển. Trong ảnh là gia đình chị Quỳnh, Q.5, TP.HCM đi mua sắm dịp cuối năm - Ảnh: Bạch Dương Tăng sức mua để góp phần vực dậy nền kinh tế - Ảnh: Diệp Đức Minh Nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà để tháo gỡ tồn kho BĐS - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Chờ đợi sức bật từ dư địa chính sách
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2013 có gần 61.000 doanh nghiệp (DN) “chết”, phá sản, ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm 2012. Trong đó hơn 40.000 DN chọn cách chết khá lặng lẽ khi ngừng hoạt động nhưng không công bố. Nhìn nhận về bức tranh đời sống DN có phần ảm đạm này của năm 2013, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN cho rằng: “Con số này khá chính xác, phản ánh thực trạng đời sống kinh tế năm qua, đồng thời bộc lộ tất cả những tồn tại lâu nay của hệ thống DN”.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến dù đã có nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ nhưng DN vẫn khó khăn, số lượng DN phá sản, giải thể năm vừa qua vẫn tăng?
Trong năm qua có 3 lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe DN. Một là sức cầu yếu quá, chi phí tăng nhưng sức mua không có, thị trường bị co lại, sản xuất ra không bán được hàng, không có tiền trả nợ, không giải chấp được các tài khoản thế chấp ngân hàng nên không vay được tiếp. Đây là vòng luẩn quẩn khiến DN khó khăn chồng khó khăn, dù chính sách ra nhiều nhưng không giải quyết được cơ bản.
Thứ hai là nợ xấu chưa giải quyết được, đặc biệt nợ bất động sản (BĐS), nợ cơ bản của Chính phủ, vốn đã ít lại đọng vào những chỗ này.
Thứ ba là các gói kích cầu để tháo gỡ như Nghị quyết 02 về nợ xấu, kể cả gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà thu nhập thấp ra chậm quá, chủ trương có từ đầu năm nhưng giữa năm mới có giải pháp, lại chưa hoàn chỉnh. Nợ xấu thật ra mới được gạt sang một bên chứ chưa được giải quyết tận cùng. Những giải pháp được đưa ra chưa phù hợp, hoặc môi trường pháp lý chưa đầy đủ, điều kiện thực hiện không có.
Khó nhất của DN vẫn là tắc đầu vào (khó tiếp cận vốn) và tắc đầu ra (không có thị trường). Trong năm 2014, cần có những giải pháp nào để tháo gỡ hai điểm tắc này?
Năm 2014 còn khó hơn năm nay, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu chuyển biến. Chính phủ nhận định có 3 khó khăn áp vào DN. Một là hệ thống DN sức khỏe yếu, phá sản, thu hẹp sản xuất vẫn tăng, lối ra tạo nên động lực tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn chưa có nhiều. Hai là về phía ngân hàng, mặc dù có vốn, lãi suất giảm, nhưng nợ xấu vẫn nằm chềnh ềnh, khi tính theo thông lệ quốc tế thì nợ xấu còn "phình" lên nữa. Khi đó cả ngân hàng và DN sẽ co lại vì sợ vi phạm tiêu chuẩn, không ai dám cho vay và không ai dám vay. Thứ ba là sang năm phải phát hành trái phiếu nhiều, tăng thu nên DN càng gay.
Nhưng đây là quá trình chúng ta phải chấp nhận. Nếu phát huy được các kết quả đã làm được trong nửa cuối năm 2013 như sắp xếp lại DN, ngân hàng, đổi mới hệ thống thể chế có hiệu quả, tăng hạ tầng giao thông, bộ máy nhân sự cắt giảm… sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Mặc dù có khó khăn nhưng cũng đã xuất hiện các nhân tố mới, và có thể mang lại kết quả tốt hơn năm 2013.
Giải pháp hiệu quả cho năm 2014 là phát huy những điểm sáng chính sách đã thực hiện được. Về vĩ mô là kiềm chế lạm phát, lạm phát vẫn kiềm chế được, ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện ổn định cho tất cả, từ tư tưởng của DN, đến nền kinh tế nói chung, đây là điểm sáng nhất. Dư địa chính sách của năm trước về điều hành tiền tệ, lãi suất, cán cân thương mại, thanh toán, dự trữ ngoại tệ tốt sẽ đẩy cho sang năm. Về dài hạn là chúng ta đã sắp xếp mạnh hơn hệ thống DN, đặc biệt DN nhà nước, ngân hàng, chuyển cơ cấu đầu tư, phân bổ vốn một cách tích cực thì cần tiếp tục đẩy mạnh... Giữa ngắn hạn và dài hạn sẽ gắn với nhau tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Chẳng hạn khi giải quyết nợ xấu, BĐS có mở ra cho người nước ngoài được mua nhà..., các yếu tố mở ra cùng với việc chuẩn bị pháp lý, chính là động lực mới.
DN đang rất chờ đợi các dư địa chính sách từ năm 2013 khi tiếp tục đi vào thực tế trong năm 2014 sẽ tạo nên những cơ hội mới.
Ưu tiên giải quyết "cầu" trong nền kinh tế
Thông thường, các chính sách kinh tế của nhiều nước đều hướng đến ưu tiên giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế. Tôi mong muốn Chính phủ cần có những chính sách mạnh hơn, trọng tâm hơn để tạo thanh khoản cho thị trường BĐS. Việc kích cầu cho thị trường BĐS không chỉ cứu riêng các DN ngành này mà là cứu cả những ngành có liên quan như vật liệu xây dựng. Nếu tính chung thì DN ngành BĐS và những ngành có liên quan chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế. Vì vậy, tạo thanh khoản cho BĐS cũng sẽ góp phần xoay chuyển nền kinh tế tăng tốc hơn. Hơn nữa, các chính sách quyết liệt trong năm mới cũng sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế những năm sau đó tiếp tục đi lên. Chính sách phải đặt trọng tâm của vấn đề để giải quyết, chẳng hạn như giảm thiểu thủ tục hành chính sẽ giúp các DN ngành BĐS giảm được chi phí. Từ đó góp phần làm công khai minh bạch trong thị trường này và làm giảm giá thành của các dự án nhà ở, đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân… Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Giữ ổn định chính sách ngoại hối
Hiện nay, các DN xuất khẩu như Garmex vẫn được vay USD vì có nguồn USD xuất khẩu để trả nợ. Hợp đồng xuất khẩu năm 2014 đa số cũng đã ký kết xong và chúng tôi vẫn tính toán giá bán sản phẩm trong hợp đồng với khách hàng trên cơ sở dựa trên mức lãi suất vay USD hiện tại khoảng 3%/năm. Tuy nhiên, chính sách được phép vay USD nói trên lại tùy thuộc vào từng năm và có thể điều chỉnh bất ngờ. Nếu như chính sách ngoại hối thay đổi thì chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, tôi mong Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giữ chính sách ngoại hối ổn định như năm qua và được công bố chính thức để các DN yên tâm trong việc đàm phán hợp đồng kinh doanh và sản xuất. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex) "Nới" hết cỡ cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà
Trong khi chúng ta kêu gọi các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào VN nhưng lại khống chế chỗ ở, vậy sao họ yên tâm bỏ vốn vào làm ăn? Pháp luật cũng xem Việt kiều là một phần của dân tộc. Cũng như người VN, họ cũng muốn an cư lạc nghiệp. Vậy tại sao chúng ta không rộng cửa cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà giống như người trong nước? Tất nhiên, đối với người nước ngoài, chúng ta khống chế họ chỉ được mua BĐS cao cấp, ở những khu vực được quy định, không cho mua nhà giá rẻ, nhà xã hội để tránh tình trạng cạnh tranh với người dân trong nước và những trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Còn lại nên cho mua số lượng không hạn chế, kể cả mua để đầu tư. Làm như vậy, vừa giải quyết được hàng tồn kho, vừa tạo điều kiện thu hút dòng vốn nước ngoài, kiều hối. Nếu quy định này được thông qua, thị trường sẽ thực sự được khởi sắc. Tôi cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng sớm trình Quốc hội luật Nhà ở sửa đổi, luật Kinh doanh BĐS, trong đó cho phép Việt kiều được sở hữu nhà như người Việt trong nước. Tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà không hạn chế. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày 25.12, phù hợp với mục đích của Nghị quyết 02 và Nghị quyết 48 về hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc BĐS cao cấp và thực hiện xuất khẩu tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tấc Đất Tấc Vàng Chú trọng vi mô
Năm 2014, để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần chú trọng kinh tế vi mô, cụ thể là sức khỏe của các DN. Chính sách tăng giá của các ngành hàng phục vụ sản xuất như điện, xăng, nước… cần can thiệp để có lộ trình và kế hoạch dài hơn, chứ không đột ngột như năm qua. Như vậy cũng là một động thái cứu DN lắm rồi. Thứ hai là giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu, giảm tồn kho cho DN để tạo động lực cho DN đi tiếp. Vấn đề này được đề cập nhiều trong năm qua, nhưng vẫn chưa “gãi” đúng chỗ ngứa của nền kinh tế, bằng chứng là số DN chết, chết lâm sàng vẫn tăng, sốt ruột lắm. Thứ ba là chính sách về lãi suất vẫn chưa đạt kỳ vọng của DN. Kế hoạch giảm lãi suất Chính phủ đưa ra cần nói cụ thể kéo dài bao lâu, để DN tính toán. Thứ tư là khi đã có cơ chế chính sách mới cứu DN, các bộ ngành nên bắt tay hướng dẫn thực hiện ngay, đừng để chính sách thời vụ lại bị treo và phản tác dụng do không cơ quan nào chịu ban hành văn bản hướng dẫn. Và cuối cùng, hạn chế tối đa độc quyền một số ngành như xăng dầu, điện... Kinh tế của ta đang nhận lãnh một số hậu quả mà trong đó, cơ chế độc quyền đã chi phối và ảnh hưởng không nhỏ từ nó. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Giải quyết dư thừa công suất cảng
Chúng tôi lạc quan về tiềm năng phát triển của kinh tế VN vào năm 2014 khi nhiều khả năng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết. CMIT đang phục vụ các chuyến tàu đi Bắc Mỹ, nên TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa mạnh hơn và lúc đó những con tàu lớn hơn sẽ tham gia hành trình vận chuyển trên các tuyến hàng hải giữa VN và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cảng nước sâu VN đang phải vật lộn với những thách thức do dư thừa công suất cảng bãi, bởi làn sóng đầu tư ồ ạt từ những năm 2000. Chúng tôi hy vọng rằng những thách thức về dư thừa công suất cảng biển sẽ được giải quyết một phần trong năm mới để tháo gỡ khó khăn chung. Ông Robert Hambleton, Giám đốc điều hành Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) Cần tăng cường xúc tiến thương mại
Tình hình xuất khẩu gạo năm 2013 gặp khó khăn lớn, sụt giảm cả về kim ngạch lẫn sản lượng. Năm 2014 sẽ tiếp nối những khó khăn của năm cũ, nhưng áp lực sẽ nhiều hơn do nguồn cung dư thừa, cạnh tranh quyết liệt. Dự báo giá lúa gạo nội địa sẽ khó có thể được giá cao, nhất là vào cao điểm thu hoạch. Để có thể thúc đẩy xuất khẩu, giảm bớt khó khăn cho DN lúa gạo, nhà nước cần củng cố và có giải pháp thích hợp đối với các thị trường có đã thỏa thuận cấp cao để giữ thị phần, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhất là các thị trường mới; chuẩn bị các điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật sau khi kết thúc TTP; vận động và đàm phán thiết lập quan hệ thương mại gạo chính thức với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách chuyển đổi cây trồng khác ở những nơi trồng lúa năng suất thấp để giảm bớt sản lượng gạo, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu mới phù hợp với nhu cầu thị trường… Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN |
Thanh Niên
Bình luận (0)