Đại tướng viết báo

02/01/2014 03:40 GMT+7

Là một vị tướng tài ba, nhà chính trị lỗi lạc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là cây bút bình luận sắc sảo của báo chí cách mạng.

 Đại tướng viết báo
Tấm ảnh cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem bản đồ chiến trường miền Nam ngày 5.7.1967 - Ảnh: Tư liệu

Phân tích chiến lược chiến tranh qua báo chí

Tại không gian lưu niệm Đại tướng ở ngôi nhà 47 Phan Đình Phùng (Hà Nội) ngoài những tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, còn có bản thảo những bài báo ông viết bình luận về chiến tranh với bút danh Trường Sơn.

Trong bài viết Chiến lược sai lầm và những sai lầm có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những phân tích sâu sắc về chiến lược của cuộc chiến tranh, sớm khẳng định ngày toàn thắng của quân và dân ta. Bản thảo bài viết được đánh máy, vẫn còn bút tích của Đại tướng ghi bài cho báo T.P. Bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích những mâu thuẫn của nội bộ nước Mỹ, bối cảnh quốc tế và những chính sách sai lầm của Mỹ, ông đã đúc kết: “...thực tiễn đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, cứ sau những thất bại của từng kế hoạch, thì Mỹ lại chuyển hướng chiến lược và cứ mỗi lần chuyển hướng thì Mỹ lại chuốc lấy thất bại nặng hơn… Phát động cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam là một sai lầm, dùng chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh lại càng sai lầm… Nguyên nhân chủ yếu của các sai lầm đó là do Mỹ đã đánh giá tương quan lực lượng ở Việt Nam và cả trên thế giới ngày nay không đúng, sai bét. Một bên thì hành động theo đường lối chính trị và chiến lược phản động mang nhiều mâu thuẫn và nhược điểm, còn một bên thì hành động theo đường lối chính trị cách mạng, tiến bộ, chính nghĩa, cùng với một chiến lược có rất nhiều tính ưu việt, đó là đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ và chiến lược chiến tranh nhân dân của chúng ta”.

Năm 1967, sau thời gian lãnh đạo chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị triệu tập ra bắc để báo cáo tình hình, chuẩn bị kế hoạch đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Những tổng kết, chuẩn bị của Đại tướng cho kế hoạch giải phóng miền Nam đã được thể hiện trong tài liệu học tập của T.Ư Đảng, phổ biến năm 1968. Theo tài liệu này, từ thực tiễn chiến trường miền Nam, năm 1968, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã phổ biến kế hoạch chuẩn bị cho ngày thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Với nhiều công lao và thành tích, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và được nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất và Huân chương Quân công hạng nhất...

Ra đi đột ngột ở tuổi 53

Chiều 5.7.1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến ăn cơm với Bác Hồ để chuẩn bị hôm sau lên đường vào nam tiếp tục chỉ đạo kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài viết của mình in trong sách Vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong, viết: “Trước ngày chuẩn bị vào nam, anh đã nêu ý kiến cả hai gia đình cùng đi dạo Hồ Tây, chụp ảnh lưu niệm, nhớ buổi gặp trước ngày lên đường, anh cùng tôi trải cả bản đồ lên sàn nhà, cùng nhau bàn bạc về tình hình, dự kiến những chuyển biến và cách đánh sắp tới, nhớ bữa cơm tiễn biệt ở tại nhà 28 Cửa Đông. Không ngờ hôm ấy lại là buổi gặp nhau cuối cùng”. Theo nhà báo Hồng Chương (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, cũng là người đồng hương, người bạn chiến đấu của Đại tướng thời còn ở chiến trường Thừa Thiên), thuật lại: “Ăn cơm xong, Bác tiễn anh ra về. Ra đến ngoài, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tần ngần mãi không chịu lên xe. Thấy vậy, ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác hỏi: “Nghe nói ngày mai anh đi sớm, sao anh chưa về chuẩn bị...”. Đại tướng nói: “Tôi thấy Bác tóc bạc phơ mà thương quá!”. Ngừng một chút, Đại tướng nói với ông Vũ Kỳ: “Tôi vào nam chuyến này không biết lúc trở ra có còn gặp được Bác không…”. Anh về đến nhà thì trời đã tối. Hôm đó, khu vực Lý Nam Đế nơi gia đình anh ở mất điện. Trời nóng oi bức, anh đã tắm nước lạnh rồi lên giường đi ngủ. Nhưng đến 2 giờ sáng, ngày 6.7.1967, anh đột ngột vùng dậy bảo với chị Cúc: “Anh thấy khó chịu, cảm giác như nước chảy ào ào trong người” và bảo chị gọi xe đưa anh đi bệnh viện”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa 3A, Viện Quân y 108, cho biết: “Trên xe, đến Bệnh viện Quân y 108, bác sĩ Thuận bảo anh vẫn nói chuyện với anh Chắt bảo vệ và anh Thuận, bác sĩ riêng. Xe đến phòng cấp cứu, bác sĩ Thuận đề nghị đưa cáng ra khiêng anh vào nhưng anh Thanh đùa: “Chú Thuận chúa hình thức, quan trọng hóa”, rồi anh đi thẳng vào buồng cấp cứu. Vừa nằm xuống giường, tự nhiên anh phát ra tiếng “ặc”, mặt và toàn thân tím ngắt. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng không có kết quả. Các bác sĩ đã chuyển Đại tướng lên phòng mổ. GS Phạm Gia Triệu và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản thực hiện mở lồng ngực, kích thích trực tiếp vào tim. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch cùng Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhiều chuyên gia tim mạch trong và ngoài quân đội đều đến cấp cứu. Nhưng tim anh vẫn co bóp rời rạc. Đúng 9 giờ ngày 6.7.1967, Đại tướng đã tắt thở hoàn toàn với chẩn đoán cuối cùng: nhồi máu cơ tim (gây cơn đau ngực, lan xuống động mạch chủ) làm chết đột ngột”. Đại tướng ra đi ở tuổi 53, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn lịch sử quan trọng.

Bùi Ngọc Long

>> Hành trình về với quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Trao tặng 4 bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.