(TNO) “Việc đưa hóa chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác. Chúng ta phải xử lý như xử lý tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát nói.
|
Ngày 2.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh thành cả nước về các vấn đề phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Bây giờ ra chợ không biết mua gì!
Về vấn đề thực phẩm “bẩn” không an toàn, sử dụng chất độc hại, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Ngộ độc chỉ là một phần bề nổi. Cái chính là nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe lâu dài và giống nòi”.
|
Người đứng đầu Bộ Y tế dẫn bức xúc của người dân, đánh giá: “Bây giờ ra chợ không biết mua gì, không ăn cũng chết mà ăn vào cũng sợ chết dần, chết mòn”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát coi việc đầu độc trong thực phẩm là tội ác.
“Chúng ta không thể chấp nhận được một người kiếm lợi trên lưng của rất nhiều người khác, ở đây cụ thể là sức khỏe của nhiều người. Việc đưa hóa chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác. Chúng ta phải xử lý như tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT nói.
Ông Phát cho rằng với các vi phạm về VSATTP nếu xử lý vi phạm hành chính vẫn không chấn chỉnh thì phải đóng cửa, vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.
Các Bộ trưởng đã dẫn chứng về vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội khiến 6 người tử vong, tại Quảng Ninh vào đầu tháng 12.2013.
|
“Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, người dân, xã hội sẽ loại bỏ những đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong 4 tháng qua đã chỉ đạo đình chỉ việc kiểm định cho nhập thuốc bảo vệ thực vật vào nước ta để chấn chỉnh lại toàn bộ việc nhập thuốc bảo vệ thực vật. Sắp tới, chỉ những loại nào an toàn mới được nhập, sử dụng ở VN.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định VSATTP liên quan cực lớn đến sức khỏe người dân, đến cả giống nòi. Vì vậy, ông Đam yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cùng các địa phương, bộ ngành liên quan phải tập trung quản lý, xử lý nghiêm túc để “làm sạch” thực phẩm độc hại, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, trước mắt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đặc biệt, “phải tập trung chống buôn lậu (thực phẩm trái phép, không được kiểm dịch - PV), đã bắt được thì xử lý nghiêm, cứ mức cao nhất mà xử lý”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Nhiều bệnh nhiễm “giảm nhiệt” trong năm 2013
Báo cáo về tình hình dịch bệnh năm 2013, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết nhiều bệnh truyền nhiễm trong năm qua đã “hạ nhiệt” so với năm trước.
Trong đó, có hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người tại Đồng Tháp và Long An, một trường hợp đã tử vong (năm 2012 có 4 trường hợp mắc, hai trường hợp tử vong). Cả hai trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.
|
Về bệnh tay chân miệng, số ca mắc của cả nước trong năm 2013 giảm 49,1% so với cùng kỳ năm 2012, tử vong giảm 53,3% (giảm 24 trường hợp) nhưng bệnh vẫn ở mức cao và rộng khắp 63 tỉnh thành. Đối với bệnh sốt xuất huyết, năm 2013 cả nước ghi nhận 69.896 trường hợp mắc tại 49 tỉnh, thành, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là năm có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
“Tuy nhiên, theo chu kỳ dịch bệnh thì trong năm 2014, nguy cơ gia tăng số ca mắc là rất lớn”, thứ trưởng Long nhận định.
Bộ Y tế cũng nhìn nhận, trong năm 2013, việc tạm ngưng sử dụng vắc-xin Quinvaxem từ tháng 5 đến tháng 10.2013 và tạm dừng 2 lô vắc-xin viêm gan B liên quan đến sự cố trẻ tử vong tại Quảng Trị đã gây ảnh hưởng tới chỉ tiêu tiêm chủng. Với hai sự cố vắc-xin trên, chỉ có 82,8% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ (năm ngoái 87,4%).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần quan tâm các loại bệnh có nhiều người mắc phải và người chết nhiều. Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chú trọng y tế dự phòng vì nếu dự phòng làm không tốt thì sẽ phát sinh nhiều bệnh tật, để di hại rất lớn; rà soát, phát triển nhân lực y tế dự phòng, không để tình trạng người giỏi không ai chịu làm và học y tế dự phòng.
TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu số lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP, trong năm 2013, trên cả nước có 5.116 cơ sở có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm. Trong đó, hai địa phương có số lượng hàng hóa không đạt bị phát hiện và xử lý nhiều là TP.HCM và Hà Nội. Bộ NN-PTNT cho biết, trong năm qua, cũng đã phát hiện 22/2.653 (0,8%) mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép; 25/1.190 (2,1%) mẫu thủy sản khô, cá biển khai thác vi phạm chỉ tiêu hóa học; 64/1.190 (5,3%) mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; đặc biệt tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh còn cao, đến 10%. Mặt khác, qua kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chính ngạch, các cơ quan chức năng phát hiện 12/783 mẫu rau, củ quả vượt ngưỡng quy định; 2 lô hàng gà nguyên con và chân gà đông lạnh không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm qua, đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.691 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, phạt hành chính hơn 2,8 tỉ đồng. |
Nguyên Mi
>> Thí điểm xây dựng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm
>> Nhiều cơ sở ăn uống vẫn coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm
>> Phối hợp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
>> Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
>> Lo bùng phát dịch bệnh nguy hiểm sau lũ
Bình luận (0)