Báo Trung Quốc tố Nhật làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông

13/01/2014 14:10 GMT+7

(TNO) Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 13.1 cho rằng Nhật Bản đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc vì 'đe dọa' sẽ sử dụng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

(TNO) Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 13.1 cho rằng Nhật Bản đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc vì 'đe dọa' sẽ sử dụng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Vào sáng 12.1, 3 tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến hành tuần tra tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo Thời báo Hoàn cầu ngày 13.1.

Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 12.1 nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thể nào bỏ qua được những hành động xâm phạm vùng lãnh hải lặp lại nhiều lần”.

Bộ trưởng Onodera đưa ra phát biểu trên sau khi thị sát cuộc tập trận phòng vệ và tái chiếm đảo của SDF.

“Chúng ta cần SDF phối hợp với Tuần duyên Nhật Bản nhằm bảo vệ vững chắc vùng lãnh hải và lãnh thổ của đất nước chúng ta”, ông Onodera cho biết thêm.

Theo Thời báo Hoàn cầu, những phát ngôn của ông Onodera làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra những cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Tokyo tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9.2012, Thời báo Hoàn cầu cho rằng những tàu tuần tra không trang bị vũ trang Nhật - Trung thường xuyên “đụng độ” nhau, chơi trò “mèo đuổi chuột” tại vùng biển gần quần đảo này.

Mới đây, Tokyo còn lên kế hoạch quốc hữu hóa 280 hòn đảo xa bờ. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là một động thái nhằm bành trướng lãnh hải sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9.2012.

Thời báo Hoàn cầu ngày 13.1 dẫn lời Liu Jiangyong, Phó viện trưởng Học viên Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng vào thời điểm hiện tại Nhật Bản sẽ không điều động SDF để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc do Hiến pháp của nước này hạn chế việc sử dụng quân đội.

Tuy nhiên, những phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Onodera kể trên được cho là mang tính "đe dọa" nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của Nhật Bản, theo nhận định của ông Liu.

Trong khi đó, ông Onodera ngày 12.1 cũng đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm đánh bắt phi lý mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lên biển Đông.

Cụ thể, tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền Trung Quốc nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” của tỉnh Hải Nam. "Vùng quản lý" tự nhận này vốn bao trùm hơn 2/3 biển Đông, theo AFP.

Những tàu vi phạm sẽ bị phạt gần 83.000 USD, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và hải sản. Lệnh cấm này đã được thông qua hồi tháng 11.2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014, cũng theo AFP.

Bộ trưởng Onodera khẳng định bằng cách đơn phương đưa ra lệnh cấm này, Trung Quốc đang tự xem biển Đông là vùng biển của họ và “động thái như thế không thể được cộng đồng quốc tế dung thứ”.

Theo ông Liu, những phát ngôn của ông Onodera về lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông là một động thái cho thấy Tokyo muốn mở rộng sự hợp tác với các nước Đông Nam Á nhằm cô lập Trung Quốc, bởi vì một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên biển Đông.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng có kế hoạch đưa tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào trong sách giáo khoa và chương trình giảng dạy trong trường trung học kể từ năm học 2016, theo đài NHK (Nhật Bản).

“Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Những quyển sách giáo khoa với nội dung như vậy sẽ khiến cho học sinh Nhật hiểu sai về sự thật và có quan điểm không đúng với các quốc gia láng giềng”, ông Liu.

Phúc Duy

>> Nhật lên án lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc
>> 5 tàu hải quân Trung Quốc đến gần hải phận Nhật
>> Trung Quốc tiếp tục điều tàu đi ngang quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ khẳng định hậu thuẫn Nhật tại Senkaku/Điếu Ngư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.