Đường vào cảng lún nặng: Do xe quá tải hay chất lượng đường kém ?

13/01/2014 01:06 GMT+7

Hai tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, Q.2, TP.HCM là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống đang bị lún sụt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông, nhất là ban đêm do xe thường chạy với tốc độ nhanh.

Đường vào cảng lún nặng: Do xe quá tải hay chất lượng đường kém ?
Đường Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái đang lún nặng - Ảnh Diệp Đức Minh

Đáng lo hơn là từ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe ngày 2.1, lưu lượng xe trên 2 tuyến đường càng đông hơn do đây là hướng lưu thông chính từ trung tâm TP đến đường cao tốc. Chính vì vậy, hiện tượng lún sụt trên 2 tuyến đường này đã gây lo lắng cho nhiều người trước những nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi lưu thông.

“Do xe quá tải”

Theo ghi nhận của Thanh Niên, dọc đại lộ Mai Chí Thọ (tên cũ đại lộ Đông Tây) và đường Đồng Văn Cống (tên cũ tỉnh lộ 25B) xuất hiện nhiều rãnh sâu, có đoạn sâu hơn 30 cm khiến xe container, xe tải, ô tô du lịch gầm thấp lưu thông rất khó khăn, dễ xảy ra va quệt khi chuyển làn.

 

Nếu do xe quá tải và cấp phối bê tông nhựa kém thì tại sao cũng các xe này khi chạy trên những đường khác như xa lộ Hà Nội lại không gây hư, lún? Ngay cả trên đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống, các chỗ hư hỏng xuất hiện từng đoạn chứ không phải chiều dài toàn tuyến

Tiến sĩ Phạm Sanh

Trên đại lộ Mai Chí Thọ, mặc dù chủ đầu tư đã sửa chữa bù lún nhưng hiện mặt đường vẫn tiếp tục hư hỏng. Đặc biệt, khe nối giữa cầu vượt Cát Lái và mặt đường Mai Chí Thọ ngày càng hở khiến xe tải, container đổ dốc cầu gặp nguy hiểm do lực tác động lớn. Ở đường Đồng Văn Cống (dài khoảng 5 km từ đại lộ Mai Chí Thọ đến cảng Cát Lái) tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Đây là tuyến đường lưu lượng xe container, xe tải nặng ra vào cảng Cát Lái liên tục và qua cầu Phú Mỹ để về miền Tây. Tuy nhiên, mặt đường lún sâu hơn 20 cm, nhất là đoạn từ vòng xoay tiếp giáp đường Vành đai phía đông đến cảng Cát Lái.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tình trạng sụt lún, trồi nhựa cục bộ mặt đường vào cảng Cát Lái do xe quá tải chạy nhiều. Đại úy Lưu Mạnh Hùng, Đội CSGT Cát Lái cho biết, sau 22 giờ mỗi đêm, nhiều xe tải, container chở sắt cuộn, gỗ; bột... thường xuyên chở quá tải, có xe thường xuyên chở trên 60 tấn.

Điều đáng nói là lực lượng thanh tra GTVT, CSGT chốt tại vòng xoay Mỹ Thủy và dọc đường nhằm kiểm soát toàn bộ xe ra vào cảng Cát Lái và qua cầu Phú Mỹ khá đông đảo nhưng các xe này vẫn hoạt động công khai. Giải thích việc này, đại úy Hùng cho rằng, mặc dù quy định buộc phải hạ tải tại chỗ đối với tất cả xe quá tải, nhưng thực tế việc này chưa thực hiện được lần nào. Còn ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội 5 - Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nói việc kiểm soát xe quá tải đang gặp rất nhiều khó khăn vì không thể buộc hạ tải mà chỉ xử phạt hành chính với lý do... thiếu kho bãi.

Phải đánh giá lại chất lượng công trình

Bác bỏ quan điểm cho rằng nguyên nhân chính khiến đường vào cảng Cát Lái sụt lún là do xe quá tải và cấp phối bê tông nhựa không chất lượng, tiến sĩ Phạm Sanh phân tích: “Nếu do xe quá tải và cấp phối bê tông nhựa kém thì tại sao cũng các xe này khi chạy trên những đường khác như xa lộ Hà Nội lại không gây hư, lún? Ngay cả trên đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống, các chỗ hư hỏng xuất hiện từng đoạn chứ không phải chiều dài toàn tuyến”.

Theo TS Phạm Sanh, nếu giả định tất cả xe đều chở quá tải và đều quá tải 100% thì theo tiêu chuẩn tính toán, con đường chỉ bắt đầu hư hỏng sau 2 đến 3 năm chứ không phải hư hỏng ngay khi đưa vào sử dụng. TS Sanh đưa ra nhận định nguyên nhân chính là công tác khảo sát thí nghiệm địa chất nền đất yếu quá sơ sài, công tác điều tra dự báo lượng xe sai sót (đặc biệt là xe tải nặng) dẫn đến thiết kế sai tiêu chuẩn… “Phải đánh giá lại toàn bộ hồ sơ chất lượng con đường. Từ khảo sát địa chất, tiêu chuẩn và số liệu xe tải nặng thiết kế, hồ sơ thiết kế tính toán cấp phối bê tông nhựa, các số liệu thử nghiệm và kiểm định, hồ sơ giám sát nghiệm thu. Ngay cả số liệu của đơn vị tư vấn mới khảo sát kiểm định sau sự cố vừa rồi cũng cần có các chuyên gia đầu ngành thật sự thẩm định đánh giá lại”, ông Sanh kiến nghị.

Đại lộ Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây cũ, đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái) được đưa vào sử dụng từ tháng 8.2010. Sau thời gian ngắn đã xảy ra tình trạng sụt lún, trồi nhựa, nặng nhất vào tháng 5.2012. Đến nay chủ đầu tư đã 5 - 6 lần sửa chữa nhưng vẫn tiếp tục lún nặng.

Toàn tuyến đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài khoảng 21 km, thông xe cuối năm 2011 với tổng mức đầu tư ban đầu 9.864 tỉ đồng. Tháng 5.2010, dự án phải tăng thêm vốn khoảng 3.600 tỉ đồng do thiết kế mở rộng thêm tại tuyến ở Q.2 qua đó, tổng mức đầu tư lên đến hơn 13.400 tỉ đồng.

Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.