Cây me 500 tuổi ở xã núi Tô - Ảnh: Bình Minh |
“Báu vật” của đồng bào Khmer
Nằm khuất sau sóc Suôi, ấp Tô Trung, xã Núi Tô (H.Tri Tôn), cây me cổ thụ hơn 500 năm tuổi che mát cả một vùng rộng lớn. Ông Chau Phi (74 tuổi), nhà ở gần cây me cổ thụ, cho biết: “Cây me này đã có lâu lắm rồi. Người dân trong sóc rất quý, không ai dám chặt dù chỉ một nhánh nhỏ. Đặc biệt, trong đời sống tâm linh, đồng bào Khmer xem cây cổ thụ như chỗ dựa tinh thần. Vào những ngày rằm, lễ, tết, bà con trong sóc thường tổ chức cúng tại cây me này để cầu cho mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, ruộng rẫy trúng mùa…”.
Cây me cổ thụ nằm trên phần đất của ông Chau Phi nhưng không thuộc quyền sở hữu của riêng gia đình ông mà là báu vật chung của cộng đồng. Ông Nguyễn Hoàng Tâm, Trưởng trạm Kiểm lâm Núi Tô, cho biết cây me có bề hoành khoảng
6 m, chiều cao trên 30 m, tán rộng hơn 1.200 m2. Chi cục Kiểm lâm An Giang cùng địa phương đã có văn bản phối hợp bảo tồn cây cổ thụ này và mới đây ngành kiểm lâm đã vận động kinh phí để xây dựng hàng rào xung quanh, giao cho ông Chau Phi giữ gìn. Ông Konn, Trưởng ấp Tô Trung, tỏ ra rất vui vì bà con giữ gìn cây me cổ thụ này rất cẩn thận. “Tôi thường xuyên lui tới xem “lão cây” phát triển thế nào, đồng thời động viên bà con ý thức hơn trong việc bảo vệ cây. Vừa qua, địa phương và kiểm lâm đã phối hợp làm vệ sinh, dọn bỏ chùm gửi, sinh vật sống bám trên thân để cây phát triển tốt. Giờ đây, cây đang thay lá, bà con trong sóc mừng lắm…”, ông Konn nói.
Vững chãi theo thời gian
|
Trải qua gần 700 năm, cây dầu vẫn sừng sững, tỏa bóng mát và là chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm hộ dân sóc Tà Pò (ấp Tô An, xã Cô Tô, H.Tri Tôn). Cây cao khoảng 35 m, bề hoành 9 m, tán rộng hơn 3.000 m2, tọa lạc trên phần đất ông Chau Bonl. Ông Chau Bonl kể: “Tương truyền, ngày xưa có hai vợ chồng ông lão đầu bạc phơ, thường xuyên lui tới thắp nhang cúng vái thần linh dưới gốc cây. Sau khi ông bà mất, người dân trong sóc thương tiếc đến thắp nhang tưởng nhớ. Đặc biệt, trước đây còn có một bầy khỉ trú ngụ trên tán cây, mỗi lần người dân đến cúng bánh trái thì đàn khỉ kéo xuống ăn. Hiện tại, ngày nào người dân cũng đến thắp nhang tại gốc cây này”.
So với cây me, cây dầu cao to hơn. Phần thân cây có cây si sống bám, tuổi thọ khoảng trăm năm. Ông Chau Chênh (100 tuổi), một người dân sống gần cây cổ thụ này, kể trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây dầu từng bị giặc đem cưa đến đốn làm gỗ. Thế nhưng, mỗi khi đưa cưa máy vào thân cây thì lưỡi bị đứt, không cưa được. Hiện 3 dấu cưa vẫn còn hiện hữu gần phần gốc cây.
Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang), cho biết những cây cổ thụ như: me, dầu, ngọc lan ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên được xem là “thiên niên thụ”, xếp vào hàng quý bật nhất vùng ĐBSCL. Ngoài sưu tầm sử liệu để xác định độ tuổi cây, ngành kiểm lâm còn dùng máy khoan tăng trưởng khoan vào thân cây để xác định chính xác độ tuổi của cây. Đây là việc làm cấp bách nhằm bảo vệ nguồn gien quý, đồng thời giúp cho mọi người hiểu rõ về lịch sử vùng đất gắn liền với đời sống xã hội của người dân. Việc bảo tồn những cây cổ thụ này sẽ tạo nên một phong trào rộng lớn, giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn cây di sản ở gần đình, chùa, khu dân cư. Chi cục Kiểm lâm An Giang đang xây dựng những tấm bia ghi danh cây, tên khoa học và tuổi thọ đặt tại các cây được vinh danh.
Bình Minh
Bình luận (0)