Những ông đồ trẻ mê thư pháp - Ảnh: Huy Anh
Một buổi sinh hoạt viết thư pháp của CLB - Ảnh CLB cung cấp |
Đam mê vẽ và tìm hiểu về nghệ thuật chữ xưa đã giúp các bạn sinh viên của nhiều trường cao đẳng, đại học tại Bình Dương xích lại gần nhau hơn. Cuối năm 2009, một câu lạc bộ (CLB) về thư pháp được thành lập với 7 thành viên. Công viên Thanh Lễ (TP.Thủ Dầu Một) được chọn làm nơi sinh hoạt hàng tuần và giao lưu với những người trẻ yêu thích thư pháp. Ban đầu, các bạn tập trung luyện những nét chữ cái cơ bản trên các loại giấy bìa cứng. Khi những nét chữ trở nên thanh thoát, đẹp hơn, các bạn viết lên những chất liệu như lụa, tre, gỗ, bình gốm. Những buổi sinh hoạt như thế đã thu hút được rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi cùng tham gia. Với ý thức giữ gìn, phát triển môn nghệ thuật thư pháp, nhóm bạn trẻ đã được các thầy trong chùa Thanh Long cho mượn một phòng trong khuôn viên chùa làm nơi sinh hoạt và đặt tên là “CLB Thư pháp Bình Dương”. Hiện tại, CLB Thư pháp Bình Dương đã có 70 thành viên và được chuyển về chùa Hội Khánh để tiếp tục gìn giữ, phát triển môn nghệ thuật truyền thống này.
Người trẻ mê “nghệ thuật già”
Vừa viết xong bức thư pháp về chữ Nhẫn cho một người dân, bạn Đàm Thị Ly (21 tuổi, sinh viên năm 2 trường Trung cấp Mỹ Thuật Bình Dương) cho biết hồi nhỏ chỉ biết đến ông đồ ngồi viết chữ ngày Tết qua truyền hình. “Không biết có phải do có duyên với thư pháp không mà ngay khi có điều kiện tiếp cận, tôi cảm thấy mình thật sự mê viết chữ dạng này. Từ khi biết đến thư pháp, tôi đã học hỏi được rất nhiều về văn hóa Việt thông qua những câu từ, giúp bản thân điều hòa được tính cách khi giao tiếp với mọi người” – bạn Ly chia sẻ.
Với bạn Lê Đăng Tiến (25 tuổi, thành viên sáng lập CLB Thư pháp Bình Dương) thì thư pháp như một món ăn tinh thần, một người bạn tâm giao, một công việc có thể giúp bạn nuôi sống bản thân. “Một lần lên Sài Gòn chơi vào dịp tết, khi ngang qua khu bán tranh thư pháp tôi thấy hũ mực tàu cùng với những dòng chữ uyển chuyển rất lạ khiến tôi thích thú. Có lẽ tôi đã mê viết thư pháp từ ngày đó. Cái tính thích trầm, bổng theo câu chữ, như tâm hồn con người lúc buồn, lúc vui trong cuộc sống vậy. Người ta bảo thư pháp cần nhiều lắm những cái gốc gác cha ông để lại, nhưng tôi thì khác, từ ngày được thưởng lãm những bức thư pháp tôi cảm thấy có cái gì đó cuốn hút”, bạn Đăng Tiến tâm sự.
Nét văn hóa cần gìn giữ, phát huy
Theo anh Nguyễn Minh Đức,chủ nhiệm CLB Thư pháp Bình Dương, “Muốn viết một bức thư pháp có hồn, người viết cần có niềm đam mê, kỹ năng và nghệ thuật. Để có từng câu chữ đẹp, người viết ngoài kỹ năng viết chữ, xây dựng bố cục còn phải ‘thổi’ được cảm xúc của mình vào từng nét chữ. Khi tâm thật sự tĩnh thì tay mới tạo ra được những nét chữ có chiều sâu, thể hiện đúng phương châm thư pháp của người xưa và tôn lên nét văn hóa Việt”– anh Đức tâm sự.
Nhìn các bạn trẻ mê mẩn với từng câu chữ bay bổng đầy cảm xúc đã khiến nhiều người khâm phục. "Các cháu là những người trẻ, năng động, thế nhưng có niềm đam mê với thư pháp, với nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt là một điều rất đáng tự hào. Các cháu không quên gốc tích dân tộc, giữ gìn những nét đẹp xưa như một cách bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc đó là điều đáng quý" – ông Nguyễn Văn Mười (78 tuổi, ngụ Bến Cát,Bình Dương) chia sẻ.
Huy Anh
Bình luận (0)