Chịu khó thực hiện một vài phương thức “tự vệ” khá đơn giản sẽ giúp giảm tác hại của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của bạn.
Ô nhiễm không khí gây hại cho hệ hô hấp, tim mạch... - Ảnh: D.Đ.Minh |
Hồi tháng 10.2013, Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức xếp ô nhiễm không khí vào nhóm 1 của các tác nhân có thể gây ung thư. Nhóm này bao gồm những tác nhân độc hại nhất như thuốc lá, chất amiante... Sau nhiều thập niên thu thập dữ liệu khoa học ở hàng ngàn bệnh nhân, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã họp tại trụ sở của IARC ở thành phố Lyon (Pháp) tổng hợp lại các dữ liệu và đưa ra kết luận “có đủ chứng cứ” cho thấy ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi và ung thư bàng quang. Trước khi chính thức đưa ô nhiễm không khí vào “danh sách đen”, thống kê gần đây nhất của cơ quan này cũng cho thấy chỉ riêng năm 2010, khoảng 223.000 người trên thế giới tử vong vì ung thư phổi được xác định nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến khói bụi họ hít thở hằng ngày.
Ngoài ung thư, ô nhiễm không khí còn là một trong những “thủ phạm” hàng đầu của nhiều loại bệnh nghiêm trọng khác về tai mũi họng, hô hấp (hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính...) và tim mạch (nhói tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim...). Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là khí thải xe cộ, khí thải nhà máy, bụi bặm từ vật liệu xây dựng ở các công trường... Trong thành phần những thứ độc hại mà ta phải hít thở hằng ngày, đáng lo ngại nhất là các loại bụi siêu nhỏ, được chia thành 2 loại: loại nhỏ hơn 10 micromét (PM10), tức nhỏ hơn từ 6 - 8 lần so với một sợi tóc, là chất thải của những quy trình cơ học như xây dựng; loại nhỏ hơn 2,5 micromét (PM2,5) là chất thải của củi, xăng dầu sau khi bị đốt... Bụi PM10 chỉ gây ảnh hưởng chủ yếu tới đường hô hấp trên (mũi, miệng, hầu, thanh quản). Trong khi đó, bụi PM2,5 có thể “len lỏi” rất sâu vào các “ngóc ngách” của phổi, gây viêm. Phế quản khi ấy tiết ra chất nhớt làm cản trở sự lưu thông không khí, gây các cơn thở dốc. Bụi PM2,5 còn thâm nhập vào hệ tuần hoàn, có thể dẫn đến các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, trong thành phần của bụi (nói chung) đôi khi chứa những kim loại độc hại như thạch tín, thủy ngân hay nickel.
Bạn nên thực hiện một số biện pháp khá đơn giản sau để giảm thiểu ảnh hưởng lên sức khỏe trong những ngày khói bụi mịt mù:
- Quan sát và theo dõi thông tin. Ở nước ta chưa có cơ quan cung cấp thông tin về “chất lượng không khí” hằng ngày nhưng bạn vẫn có thể quan sát các dấu hiệu của ô nhiễm không khí như bụi mù bất thường, kẹt xe trên diện rộng... Những thông tin này, nếu nghiêm trọng, thường được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nắm được tình hình ô nhiễm sẽ giúp bạn có “đối sách” thích hợp.
- Tránh nơi nóng, ẩm. Nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ làm tăng tác hại của ô nhiễm. Những ngày bụi bặm đầy đường, bạn nên ở nơi râm mát và uống nhiều nước để giúp cơ thể thanh lọc phần nào độc chất.
- Bảo vệ người có nguy cơ cao. Những ngày ô nhiễm không khí nặng, bạn nên đặc biệt chú ý đến những thành viên trong gia đình dễ bị ảnh hưởng nhất như người cao tuổi, trẻ em, thai phụ, người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch, dị ứng...
- Không chơi thể thao nơi ô nhiễm. Chơi thể thao ngoài trời, đặc biệt là ở những nơi “cao điểm khói bụi” (gần các tuyến đường có lưu lượng xe lớn, gần nhà máy, công trình xây dựng...) vào những ngày/giờ ô nhiễm nặng là cực kỳ “chống chỉ định” vì khi vận động mạnh, bạn sẽ hít thở một lượng không khí cao hơn rất nhiều lần so với bình thường. Lượng khí hít vào tỷ lệ thuận với lượng bụi bặm xâm nhập cơ thể.
- Trồng cây. Ở nhà, đóng kín cửa cũng không thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi ô nhiễm không khí vì bụi PM2,5 hoàn toàn có thể vượt qua các “chướng ngại vật”, kể cả khẩu trang thông thường cũng không ăn thua. Chỉ có khẩu trang chuyên dụng may ra mới chặn được phần nào. Bạn nên trồng một số loại cây trong nhà hoặc ngoài vườn như lệ quyên, cúc, thường xuân... Đây là biện pháp rất hiệu quả để lọc không khí. Trong trường hợp trời oi bức và ô nhiễm nặng quá, bạn có thể đóng cửa và treo một lớp chăn màn thấm nước ngay sau cửa. Nước sẽ làm tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ và giữ lại phần nào bụi bặm.
- Đi bộ. Bạn hoàn toàn có thể góp phần giảm ô nhiễm nếu ưu tiên đi bộ thay cho đi xe nếu khoảng cách không quá xa.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)