* 3 công ty con, 21 công ty “cháu” của PVN thua lỗ
Nhắc nhở tại Hội nghị tổng kết năm 2013 của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) sáng 15.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, năm 2014 PVN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu với trọng tâm cổ phần hóa. Tái cơ cấu nhân lực lao động, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, xây dựng lại đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, đạo đức.
|
“Đừng để xảy ra việc gì mang tai tiếng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không chỉ là uy tín của PVN mà còn là uy tín của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Các đồng chí đã thấy có bao nhiêu vụ việc xảy ra, tuy là con sâu làm rầu nồi canh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, PVN phải tái cơ cấu hiệu quả hơn, nghiên cứu chức năng nào quản lý nhà nước chuyển giao cho Bộ Công thương, chức năng nào là công ích, kinh doanh. Nếu tách rõ các chức năng thì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể ở mức cao hơn 20% hiện nay. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển của tập đoàn đến năm 2025 thành tập đoàn dầu khí quốc gia hoàn chỉnh có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới.
Thủ tướng cho rằng, tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác là nhiệm vụ chính của PVN, dù ngày càng khó khăn hơn do phải ra vùng nước sâu, vùng nhạy cảm. “Nhiệm vụ của PVN là tìm kiếm, thăm dò trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng biển của đất nước, không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn bảo vệ chủ quyền đất nước. Việc mở rộng tìm kiếm thăm dò khai thác bên ngoài như Nga, Venezuela, phải làm chặt chẽ, hết sức tránh rủi ro vì chúng ta còn nghèo”, Thủ tướng yêu cầu. Ông cũng nhấn mạnh PVN phải đảm bảo các dự án nhiệt điện than (cụm điện khoảng 4.000 MW), thay cho 4.000 MW chậm lại của tổ máy điện nguyên tử vì khả năng tới 2020 mới bắt đầu làm điện nguyên tử.
Theo báo cáo của PVN, một số đơn vị đạt hiệu quả sinh lời vốn không cao (tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt dưới 8%). Theo đó, có 3 đơn vị lỗ là Tổng công ty xây lắp dầu khí lỗ hợp nhất 3.202 tỉ đồng, lỗ công ty mẹ 2.325 tỉ đồng, Tổng công ty công nghiệp năng lượng dầu khí lỗ hợp nhất 144,5 tỉ đồng, lỗ công ty mẹ 126 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất lỗ hợp nhất 202,3 tỉ đồng, nếu hạch toán khấu hao các tài sản đưa vào sử dụng thì lỗ 22,3 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số công ty "cháu" có 21 đơn vị lỗ, trong đó PVC có 11 đơn vị lỗ, PTSC có 3 đơn vị lỗ... 40 đơn vị thành viên có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân thấp dưới 6% như thủy điện Hủa Na, thủy điện Đăk Rinh, bảo hiểm PVI Sunlife… PVN cũng cho biết, tỷ lệ trích lập dự phòng cho các khoản cho vay với Vinashin và Vinalines rất thấp, tổng số nợ quá hạn là 2.743 tỉ đồng, mới trích lập dự phòng được 63 tỉ đồng.
Petrolimex lại đặt mục tiêu lãi nghìn tỉ Trao đổi với báo chí chiều 15.1, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) cho hay, dù doanh thu đạt 196.000 tỉ đồng (giảm 2% so với năm 2012 do giá thế giới giảm), nhưng lợi nhuận của Petrolimex lại tăng mạnh, đạt 1.929 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 97%. Đây là lãi hợp nhất từ 74 đơn vị, trong đó 2 công ty ở nước ngoài tại Singapore và Lào có lợi nhuận khoảng 2,5 triệu USD, tương đương khoảng hơn 50 tỉ đồng; hoạt động ngân hàng lãi khoảng trên 50 tỉ đồng; các lĩnh vực khác, đặc biệt là hóa dầu và gas có tỷ suất lợi nhuận rất tốt. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 1.533 tỉ đồng. Trong khi đó, lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước năm 2013 giảm 5% so với năm 2012 (riêng Petrolimex giảm 2,5% tiêu thụ nội địa, tương ứng lượng bán ra trong nước đạt 7,4 triệu tấn xăng dầu). Với vốn kinh doanh 15.300 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn của Petrolimex khoảng 10%. Trả lời câu hỏi tại sao doanh thu giảm trong khi lợi nhuận lại tăng, ông Trần Ngọc Năm, Phó TGĐ Petrolimex cho rằng, doanh thu giảm do sản lượng bán ra giảm, giá xăng dầu cũng giảm, còn lãi chủ yếu do các Bộ điều hành giá đã tiệm cận với thị trường hơn. Đáng chú ý, năm 2014, dù chỉ đặt chỉ tiêu sản lượng nội địa tăng khoảng 2%, nhưng Petrolimex đặt mục tiêu tiếp tục có lãi, với mức lãi tăng khoảng 4% so với năm 2013 (trên 2.000 tỉ đồng). Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng cần bỏ lợi nhuận định mức trong tính giá xăng dầu, theo ông Năm, “bỏ vào hay ra không quan trọng, vấn đề phải công khai lợi nhuận định mức như thế nào”. Mai Hà |
Mai Hà
Bình luận (0)