|
Sông dài do nhà biên kịch Hà Triều - Hoa Phượng viết hơn ba mươi năm trước. Kể từ đó, câu chuyện tình yêu giữa cô gái mù tên Lượm và chàng trai bị bỏng nửa khuôn mặt tên Niễng đã được đưa lên sân khấu không biết bao lần. Mùa tết năm nay, Sông dài lại có dịp tái ngộ khán giả qua bàn tay dàn dựng của NSƯT Thành Hội và hứa hẹn đem đến những xúc cảm đa chiều như Nửa đời ngơ ngác đã làm năm nào.
Ở phân cảnh đầu tiên của vở, đạo diễn Thành Hội khéo léo giới thiệu đến khán giả từng thân phận nhân vật hết sức mạch lạc. Chỉ cần một phân cảnh, đường dây câu chuyện đã được phơi ra để chuẩn bị tâm lý cho các diễn biến sắp tới. Sân khấu, ánh sáng, âm nhạc, phục trang… tất cả cộng hưởng với nhau làm nên một Sài Gòn nhộn nhịp những năm 1950. Thoắt cái, cũng chính những chi tiết ấy đã biến toàn bộ sân khấu thành một vùng quê nghèo rặt chất Nam bộ. Chiếc áo dài cổ thuyền màu xanh ngọc đi cùng mái tóc phồng thương hiệu “Lệ Xuân” của bà Hai Sa hay chiếc áo nâu sồng mỏng manh dưới ánh đèn dầu leo lét của ông Hai Tất. Bản nhạc Xổ số kiến thiết rộn ràng trên radio hay tiếng đàn cò khắc khoải đêm khuya thanh vắng. Đấy hẳn là hai cuộc đời khác biệt hoàn toàn. Nhưng rõ ràng là, người ta chỉ có thể ý thức sự khác biệt kia khi họ nhìn thấy nó tường tận.
Số phận của Lượm giống vậy, hay ít nhất là anh chồng bất hạnh của cô đã nghĩ vậy. Cuộc đời cô Lượm mù lòa sớm tối xoay quanh mỗi tía và anh Niễng cho tới một ngày nọ, bà mẹ giàu sang của Lượm bỗng nhiên xuất hiện cương quyết kéo cô sang Nhật chữa mắt, rồi tiện thể đẩy luôn cô vào đời sống thượng lưu. Chưa bao giờ câu hát “Sông dài cá lội biệt tăm” lại rưng rức đến thế. Ông Hai Tất bảo cô Lượm mù lòa và anh Niễng xấu xí sinh ra để dành cho nhau, đó là ông dựa vào số phận. Tuy nhiên, ai biết rõ được số phận của mình, chưa kể số phận của tình yêu vốn là thứ không thể nắm giữ? Trong một không gian mà 4 nhân vật theo đuổi 4 cảm xúc khác nhau, bà Hai Sa toan tính, cô Lượm ngây ngô sung sướng, ông Hai Tất quay lưng nghẹn ngào còn chàng Niễng đáng thương thì đứng chết lặng. Một phân cảnh xuất sắc.
Sông dài có lẽ là một món ăn không mới như Oan tình ai thấu, đôi chỗ còn gợi tới chất cải lương Nam bộ, song vở kịch đích thị là món ăn truyền thống của sân khấu kịch vẫn nổi tiếng với những hoài niệm xưa cũ là Hoàng Thái Thanh. Khán giả sẽ bắt gặp một Hồng Ánh điêu luyện, một Ái Như luôn hoàn thành tốt vai trò của mình và một Quang Thảo đang miệt mài trên con đường tìm kiếm những hóa thân đa dạng. Riêng với Quý Bình, Niễng là vai diễn đầy thử thách đặt ra cho anh, mặc dù cách đây chưa lâu Bình đã đảm nhận chính vai này trên màn ảnh nhỏ. Khuôn mặt dị dạng ấy, dáng đi không dám ngẩng đầu lên ấy cùng hai bờ vai nhấp nhô, một thân phận con người cũng nhấp nhô hiện ra qua cách diễn xuất đầy nội tâm.
Ngân Vi
>> Ra mắt Sân khấu Thuần Việt
>> Phương Mỹ Chi dìu cô Út lên sân khấu hát chung
>> 12 con thú lên sân khấu
Bình luận (0)