Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường

30/01/2014 20:05 GMT+7

(TNO) 46 tuổi, 25 năm làm nghề môi trường thì có tới 23 năm chị Hoàng Thị Yến là công nhân Chi nhánh Hai Bà Trưng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, đón giao thừa ở ngoài đường.

(TNO) 25 năm làm nghề môi trường thì 23 năm chị Hoàng Thị Yến (46 tuổi, làm việc tại Chi nhánh Hai Bà Trưng - Urenco 3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) đón giao thừa ở ngoài đường.

Theo bà Trương Thị Kim Lan, Phó giám đốc Urenco 3: Ngày thường lượng rác trung bình trên toàn địa bàn quận Hai Bà Trưng do chi nhánh phụ trách là 315 tấn/ngày. Từ sau ngày ông Công ông Táo, lượng rác đã tăng lên ngót 400 tấn/ngày và tới ngày cuối cùng của năm là lên đến 700 tấn/ngày. Do vậy thay vì đi làm 1 ca, công nhân môi trường phải “chiến đấu” liên tục 2 ca/ngày, để đảm bảo đường phố luôn được sạch đẹp. Đặc biệt trong ngày giao thừa, toàn bộ quân số của chi nhánh phải ra đường và chỉ được về nhà sau 5 giờ sáng ngày mùng 1 Tết.

Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường 1
Chị Yến vệ sinh trên tuyến đường Trương Định - Ảnh: Xuân Bùi

Công việc cực nhọc, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chị Yến chỉ cười và nói: “Bọn mình quen rồi, không sao. Nhưng chỉ thương mấy đứa mới vào, nghe nói chúng nó tủi thân nên khóc suốt”.

Rồi chị Yến kể: “Trước đây, đúng 20 tuổi mình đặt chân vào làm ở chi nhánh. Năm đầu tiên xuống đường làm vệ sinh, quét rác, tới thời khắc giao thừa, nhìn từng cặp đôi nam nữ thanh niên bằng tuổi mình, họ cầm tay nhau đi chơi, mà nước mắt cứ trào ra vì tủi thân, vì không được ở gần người thân”.

Cũng là đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng, mong chờ nhất trong năm của người Việt, nhưng nó lại luôn là nỗi lo với những người làm môi trường như chị Yến. Bởi ngoài việc phải xa chồng, xa con, xa người thân, họ lại phải đối mặt với cả một “núi” rác từ các công viên, điểm bắn pháo hoa, điểm vui chơi hay những dịch vụ bán cành lộc.

Theo lời chị Yến: “Khi mọi người dung dăng vui vẻ thì cánh môi trường tụi này phải lượn như đèn cù, mắt phải mở thật to, nhìn trước nhìn sau xem có ai xả rác không để còn nhặt cho nhanh. Chứ để đường phố lem nhem toàn rác, cán bộ đi kiểm tra là dính khiển trách, phạt tiền như chơi”.

Dịp Tết vất vả là vậy nên anh em trong nghề môi trường của chị Yến mới hay bông đùa với nhau, nếu ai vượt qua được mấy ngày Tết thì sẽ trụ lại được với nghề này lâu dài. Bằng không sẽ chỉ trong ngày một ngày hai là tự khắc nộp đơn xin nghỉ việc.

Chị Yến dẫn chứng: “Năm ngoái, một cô gái được tuyển vào chi nhánh làm việc. Biết em nó mới vào nên bọn mình sắp xếp làm ở những tuyến đường vắng, ít sự kiện. Nhưng cũng chỉ làm chưa hết ca, cô gái này đã khóc thút thít gọi điện cho chồng tới đón. Hỏi ra mới biết, vì khối lượng công việc nặng, không vượt qua được sự mặc cảm của người quét rác đường trong ngày Tết”.

Chị công nhân 23 năm đón giao thừa ngoài đường 2
Mỗi chuyến xe rác mà chị Yến thu gom, nặng gần 3 tạ - Ảnh: Xuân Bùi

Được biết, hiện chị Yến phụ trách tuyến đường Trương Định với 96 tổ dân phố. Thông thường mỗi ca làm việc, chị phải thu gom, vận chuyển tới 6 xe rác, mỗi xe có tổng trọng lượng từ 2,4 – 2,6 tạ và tổng số quãng đường phải di chuyển trong một ca làm vệ sinh đường phố lên tới 10 km.

Hà An

>> Nhà vườn miền Tây lo phải đón giao thừa trên sông
>> Hội An bắn pháo hoa 2 điểm trong đêm giao thừa
>> Đồng Nai: Bắn pháo hoa đêm giao thừa trên cầu Hóa An
>> Chen lấn kinh hoàng, nhiều người ngất trong đêm đón giao thừa 2014
>> Những kiểu mừng giao thừa độc đáo trên thế giới
>> Bắn pháo hoa đêm giao thừa tại đảo Lý Sơn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.