Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt

31/01/2014 16:50 GMT+7

(TNO) Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ thứ 9 đã được tỉnh Quảng Nam đệ trình công văn lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đề nghị lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với Phật viện Đồng Dương
Hiện trạng chống đỡ tháp Sáng tại Phật viện Đồng Dương

Ngày 31.1, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho biết công văn đề nghị thỏa thuận lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đối với Phật viện Đồng Dương (tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) đã được UBND tỉnh Quảng Nam đệ trình lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT-DL).

Theo ông Cẩm, mặc dù khu di tích này đã hội đủ các giá trị đặc biệt tiêu biểu nếu căn cứ các tiêu chí xếp hạng di tích của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa, tuy nhiên, chính quyền địa phương cần chờ ý kiến thống nhất từ phía Bộ VH-TT-DL để xúc tiến việc lập hồ sơ.

Phật viện Đồng Dương từng là một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Vương quốc Chămpa và cả khu vực Đông Nam Á, được vua Indravarman II cho xây dựng từ năm 875.

Được khai quật khảo cổ học năm 1902, phế tích Đồng Dương hiển lộ là quần thể di tích quy mô lớn, trong đó khu đền thờ chính và các tháp được phân bố trên một trục tây - đông dài khoảng 1.300 m với nhiều công trình kiến trúc và nhiều hiện vật điêu khắc giá trị, độc đáo tạo nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa.

Đến năm 2000, Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại phế tích này rất hoang tàng, chỉ còn một tháp Sáng nhưng cũng đang trong tình trạng phải chống đỡ cấp thiết.

Việc sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với Phật viện Đồng Dương sẽ giúp giới nghiên cứu có thêm điều kiện vào cuộc giới thiệu, quảng bá giá trị di tích của trung tâm Phật giáo khu vực Đông Nam Á này trong quá khứ.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Phật viện Đồng Dương đang hội tụ 3 yếu tố đặc biệt.

Thứ nhất, đây từng là trung tâm nghiên cứu, dịch thuật kinh sách từ tiếng Phạn sang ngôn ngữ Chămpa.

Thứ hai, đây là trung tâm đào tạo tăng sinh, tăng lữ không chỉ của Việt Nam mà còn của một số quốc gia láng giềng.

Thứ ba, đây là nơi tu tập, truyền bá đạo pháp danh tiếng.

Mặc dù vậy, với hiện trạng Đồng Dương không thể phục dựng, các nhà khoa học đề xuất hình thức tiến hành khai quật tại một số nền tháp, và ngay tại miệng hố khai quật có thể trưng bày hình ảnh, hiện vật vốn có.

Tin, ảnh: H.X.Huỳnh

>> Đề xuất Đền Trần Thái Bình là di tích quốc gia đặc biệt
>> Đón nhận Bằng di tích quốc gia lăng mộ danh thần Tây Sơn
>> Lăng mộ cụ Trương Công Hy được công nhận là di tích quốc gia
>> Thành cổ Biên Hòa được xếp hạng Di tích quốc gia
>> Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
>> Lam Kinh trở thành di tích quốc gia đặc biệt
>> Đề nghị xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt
>> Chấn chỉnh cảnh quan trước di tích quốc gia
>> Đề nghị công nhận lăng mộ danh thần Tây Sơn là di tích quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.