Bộ Y tế có công điện chỉ đạo ứng phó với ngộ độc thực phẩm hàng loạt

07/02/2014 21:43 GMT+7

(TNO) Ngày 7.2, Bộ Y tế đã có công điện gửi Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, Sở Y tế các tỉnh, thành đề nghị triển khai tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội.

(TNO) Ngày 7.2, Bộ Y tế đã có công điện gửi Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, Sở Y tế các tỉnh, thành đề nghị triển khai tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) mùa lễ hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương cần chú trọng đảm bảo ATTP với các loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm gia tăng tại các khu vực lễ hội, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng chất lượng. Các hành vi vi phạm phải được phát hiện, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức các đội ứng trực, sẵn sàng cơ động chi viện khi có yêu cầu; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phải sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục khi có sự cố về ATTP và ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra.

Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) và cúm A(H5N1) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng; mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, tổ chức thu dung điều trị, cách ly sớm, cấp cứu kịp thời và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, thông qua giám sát chủ động theo dõi sự biến chủng của vi rút cúm gia cầm lây bệnh sang người.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết các địa phương đặc biệt chú trọng đảm bảo ATTP với phòng chống dịch cúm gia cầm (vi rút cúm A/H5N1 và H7N9 trên người). Các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện chỉ sử dụng gia cầm có nguồn gốc và đã được kiểm dịch; nấu chín kỹ thịt và các sản phẩm gia cầm; không ăn tiết canh, thức ăn chế biến từ gia cầm, sản phẩm gia cầm còn sống, tái; không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi cạnh nơi chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, đã có hai ca hai nhiễm cúm A/H5N1 tử vong. Các trường hợp này đều có liên quan đến ăn, giết, mổ gia cầm, thủy cầm; khu vực sinh sống có gia cầm chết.

* Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP các nhà hàng phục vụ ăn uống tại Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Đây là khu vực luôn có nhiều du khách đến tham quan và đi lễ đầu năm với cả ngàn lượt người mỗi ngày.

Qua kiểm tra, các thực phẩm sử dụng trong chế biến món ăn có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, nhân viên được tập huấn kiến thức về ATVSTP và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, 5/14 mẫu bát, đĩa của 2 cơ sở được kiểm tra test nhanh rửa chưa sạch.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Tây Hồ phối hợp tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh ăn uống tại các điểm có đông du khách đến tham quan và đi lễ đầu năm.

Nam Sơn

>> Thí điểm xây dựng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm
>> 176 phường được cải thiện an toàn thực phẩm
>> 176 phường được cải thiện an toàn thực phẩm
>> Cục An toàn thực phẩm xác nhận việc thu hồi sữa nhiễm khuẩn xem như hoàn tất
>> Quy trách nhiệm đến cùng doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm
>> Nhiều cơ sở ăn uống vẫn coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.