Các chuyên gia về game nói gì về hiện tượng Flappy Bird?

07/02/2014 18:05 GMT+7

(TNO) Trước thành công khó ngờ của Flappy Bird, một nhà làm game giấu tên tại TP.HCM cho rằng: “Con số doanh thu từ quảng cáo đến 50.000 USD/ngày thật khó tin”.

(TNO) Trước thành công khó ngờ của Flappy Bird, một nhà làm game giấu tên tại TP.HCM cho rằng: “Quan trọng là Flappy Bird trụ được bao lâu. Con số doanh thu từ quảng cáo đến 50.000 USD/ngày thật khó tin”. Dưới đây là những ý kiến, bình luận đa chiều của các chuyên gia về game tại Việt Nam xung quanh câu chuyện gây sốt mang tên Flappy Bird.

>> Tác giả game Flappy Bird kiếm 1 tỉ đồng/ngày như thế nào?

 

Chàng trai viết game thuần Việt gây sốt toàn cầu
Nguyễn Hà Đông chia sẻ anh từng nghiện Flappy Bird do chính mình tạo ra - Ảnh: Đan Hạ

Lê Phương Đông, cụu Giám đốc điều hành game của FPT Online, hiện là CEO của 5 Stars Mobile Game Company Limited nhận xét: “Đây là thành công lớn nhất từ trước đến nay trong làng game Việt - nơi phần lớn là các đơn vị phát hành với lợi nhuận khổng lồ, còn mảng phát triển thường ít tiếng và không đạt được nhiều thành công, thậm chí thường phá sản. Mong rằng các nhà phát triển game Việt Nam tìm thấy động lực trong bài học thành công của Flappy Bird để tiếp tục gắn bó và xây dựng nền móng cho ngành game Việt. Tôi tin rằng nhiều nhà phát triển game Việt đang đi đúng hướng trong việc lựa chọn dòng sản phẩm phát triển và dựa trên nguồn lực, trình độ để tự tạo ra cơ hội thành công”.

Lương Công Hiếu, cựu CEO của FPT Online, đánh giá thực tế hơn: “Tiêu chí tạo nên một game trên điện thoại di động hay có hai yếu tố cơ bản: Tạo thách thức và cách chơi đơn giản. Flappy Bird thoạt nhìn tưởng dễ chơi vì chỉ cần “… chạm, chạm, chạm...”, nhưng ngay màn chơi đầu tiên lại quá khó. Vì vậy, trò chơi khơi dậy được tâm lý muốn chinh phục mục tiêu và thách thức bản thân”.

 
Tuy là vậy nhưng tất cả, từ tác giả đến người trong giới đều thừa nhận Flappy Bird gặp may mắn bởi tâm lý người chơi game tại Việt Nam rất khó nắm bắt nếu không muốn nói là quá khó.

Flappy Bird chọn một cách thiết kế sản phẩm ngược lại các nguyên tắc thiết kế game truyền thống (từ khó đến dễ, thay vì từ dễ đến khó). May mắn thay, điều này lại gây ức chế cho một số người dùng, trong đó có những người dùng có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ thể hiện sự ức chế của mình với trò chơi trên mạng xã hội, từ đó được lan truyền đi và tới được điểm bùng phát dẫn đến thành công. Tâm lý đám đông người dùng trong thời đại số là một điều rất khó nắm bắt”, Lương Công Hiếu thẳng thắn chia sẻ.

Cũng có người nghĩ khác, như anh Huỳnh Thanh Tùng, người làm game di động từ hơn 5 năm nay. Thanh Tùng thẳng thắn phản đối: “Tôi lại không thích cách làm này, bởi không có sự chắc chắn về nền tảng cũng như bản quyền, làm ra sản phẩm rồi lại sợ nó… nổi tiếng dẫn đến việc bị kiện vì bản quyền thì tôi tin rằng chỉ những nhà phát hành mì ăn liền mới có tiêu chí như thế”.


'Khoe' điểm đạt được khi chơi Flappy Bird...

Theo nhận định của nhiều người, cái được lớn nhất của Flappy Bird chính là một cú hích tạo tâm lý tự tin cho cộng đồng phát triển game di động và thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là cơ hội dành cho tất cả mọi người để có thể trở nên giàu có, thành đạt bằng chính năng lực và sự cố gắng của bản thân mình.

Nói như anh Lê Phương Đông, “Việc kiện cáo bản quyền hình ảnh, nội dung cần có sự nghiên cứu và tư vấn đầy đủ của các đơn vị luật. Tuy nhiên có nhiều yếu tố vẫn thuộc đánh giá cảm tính".

"Và vì thế việc gì phải đau đầu lúc này, hãy cứ vui vẻ và tận hưởng thành quả để có thêm những sáng tạo mới, thành công mới”, anh Đông đúc kết.

Nói gì thì nói, ít ra cho đến giờ, cộng đồng game thủ là những người may mắn nhất, chính họ chứ không ai khác được giải trí bằng một sản phẩm của game thuần Việt, miễn phí và tự hào vì nó rất nổi tiếng trên thế giới.

Có thể đưa game tự viết lên Appstore như thế nào?

Để đưa một ứng dụng lên Appstore.com thì phải mua một tài khoản Dev giá 99 USD/năm sau khi cung cấp thông tin thẻ, cá nhân (hoặc doanh nghiệp) để Apple duyệt (từ 3 đến 7 ngày).

Duyệt xong người mua sẽ dùng một phần mềm của Apple để đưa lên là X-code và bắt buộc phải chạy trên máy tính dùng MAC OS.

Mọi doanh thu từ ứng dụng này đều được chia theo tỷ lệ: chủ tài khoản hưởng 70%, Apple hưởng 30%, phần mềm tính doanh thu này cũng do Apple cung cấp, liệt kê rất rõ doanh số cũng như lượng page view.

9 'độc chiêu' giúp Flappy Bird gây sốt

Nhiều chuyên gia về game cho rằng Flappy Bird biết cách gây ức chế cho người dùng, đặc biệt là người dùng có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, và kích thích họ than phiền về độ khó của nó. Điều này đồng nghĩa với việc game này sẽ được quảng bá nhanh chóng. Cùng điểm lại 9 'độc chiêu' làm nên thành công khó ngờ của Flappy Bird.

Khó ngay từ lúc đầu: Ấn tượng đầu tiên khi chơi Flappy Bird chính là độ khó kinh dị của nó. Rất nhiều người dù là các game thủ "gạo cội" vẫn không thể qua khỏi cái ống cống chướng ngại vật đầu tiên. Độ khó "khủng bố" này khiến người chơi bực bội, điên tiết, nhưng lại rất hài hước. Nếu lướt qua các bình luận về Flappy Bird trên iOS App Store, chúng ta có thể thấy được có vô số người vừa yêu vừa ghét game này. Có lẽ nguyên nhân lớn nhất khiến nó thành công là: Người ta thích tự "hành xác" mình vì độ khó của nó, và cùng chia sẻ với các người chơi khác.

Lối chơi đơn giản: Flappy Bird gần như chẳng hề có một đoạn giới thiệu nào như Angry birds hay Clash of clans và các game di động khác. Chỉ cần đưa chiếc điện thoại cho bất kỳ ai bạn gặp trên đường, là họ có thể chơi ngay được Flappy Bird mà chả cần phải tập trước. Điều này là một sự phối hợp hoàn mỹ với độ khó cao của trò chơi: dễ chơi nhưng khó chơi hay.


Flappy Bird gây sốt nhờ khó ngay từ đầu - Ảnh: Chụp từ giao diện game

Luôn khiến người chơi tiếc nuối: Có lẽ điều dở nhất, đồng thời cũng hay nhất của Flappy Bird, là nó luôn tạo cho bạn cảm giác mình có thể làm tốt hơn lượt chơi trước đó. Với Angry birds, đôi khi chỉ đạt được 2 sao là đủ khiến ta thỏa mãn, với cảm giác “ít ra cũng qua màn được rồi”. Với Flappy Bird thì không có chuyện đó, bởi lẽ thực chất game chỉ có 1 màn chơi, và mỗi một điểm ghi được sẽ cho bạn thấy mình đã... nhọc nhằn cỡ nào. Điều này sẽ thôi thúc bạn tiếp tục chơi tiếp, không có điểm dừng. Vào khoảnh khắc chú chim cắm đầu xuống đất, bạn sẽ cảm thấy một cảm giác bất lực thôi thúc mình phải làm tốt hơn. Tuy vậy, bạn vẫn muốn tự hào đi khoe điểm số với mọi người, dù nó không cao.

Không cần phải mua thêm dịch vụ: Đây có lẽ là điểm cạnh tranh đáng giá nhất của Flappy Bird. Đa số các game trên di động dù miễn phí, vẫn tìm cách "moi tiền" bạn thông qua mua vật phẩm trong game. Flappy Bird không hề có các thứ này. Đây chính là điều mà mọi người cần!

Giao diện đơn giản: Flappy Bird có rất ít nút chức năng. Nếu tính luôn các chức năng chia sẻ cộng đồng, thì chỉ có các nút: Start (bắt đầu), Score (xem điểm số), Rate (xếp hạng), Pause (tạm dừng), Tap (chạm để điều khiển), Okay (duyệt) và Share (chia sẻ). Tổng cộng chỉ có 7 nút bấm mà chỉ cần 3 trong số đó là đủ để chơi game trọn vẹn. Đây là lựa chọn thông minh của tác giả, khi hiểu cảm giác choáng ngợp của người chơi khi phải đối mặt với hàng chục tùy chọn mà các game khác nhồi vào đầu họ.

Đặt nặng yếu tố trọng lực: Logic về vật lý của Flappy Bird rất rõ ràng. Bạn có thể cảm nhận được chú chim của mình cắm đầu xuống đất với gia tốc trọng trường 9,8m/s2. Trong Angry birds chắc chẳng bao giờ bạn thương xót cho những chú chim điên, hoặc lũ lợn tai xanh cả. Những nhân vật bé nhỏ trong Clash of clans cũng thế, chúng chỉ là những quân cờ trong sơ đồ chiến thuật của bạn mà thôi. Khi Flappy Bird rụng cánh, bạn có thể cảm nhận được sâu thẳm trong thâm tâm mình đang gào thét “Ôi trời ơi, lại chết!”.

Trình độ là tất cả
: Có những người chơi rất tệ. Chỉ sau vài lần thử, họ đã... quăng điện thoại vào tường và bỏ cuộc. Thế nhưng họ không biết rằng đang có hàng trăm ngàn người khác đang cố vượt qua mốc điểm 50 hoặc 60 trong Flappy Bird. Đây không phải là một game mà bạn có thể chọn qua nhanh màn chơi hoặc nhận được hướng dẫn qua màn. Đây cũng không phải là một trò chơi giải trí nhẹ nhàng kiểu Cut the rope hoặc Fruit ninja (tạm dịch là Chém trái cây). Chỉ có những người chịu rèn luyện kỹ năng sau vô số lần thất bại mới có thể thành công. Nếu bạn qua hơn 10 điểm, vậy là bạn biết cách lèo lái các ngón tay của mình rồi đó. Với Flappy Bird, bạn biết được mình dở cỡ nào, và đồng thời, cũng rõ giỏi cỡ nào.

Màn chơi ngắn gọn, dễ hiểu: Một trong những điểm độc đáo của Flappy Bird, là bởi vì độ khó quá cao và bạn sẽ chết liên tục, đồng nghĩa với việc bạn sẽ chơi lại một màn và chơi... hoài. Nó sẽ hình thành nên một thói quen khó bỏ hoặc thậm chí là... ghiền. Càng chơi càng chết lại càng muốn chơi tiếp!

Thống lĩnh App Store: Flappy Bird mang nghi án rằng chắc nó đã hack nguyên cái App Store. Kể từ khi nó xuất hiện trên đấy, game đã tăng trưởng với một tốc độ chóng mặt, có lẽ vì chính cái sự yêu mà ghét của cộng đồng dành cho nó. Không khó để thấy được hàng trăm bài đánh giá với điểm số tuyệt đối 5 sao trọn vẹn đến từ những người… căm thù trò chơi này.

Không bắt chước Candy crush saga, Angry birds hay Clash of clans: Cuối cùng, điểm tuyệt vời nhất của Flappy Bird là nó đã đột phá ra khỏi cái khuôn khổ mẫu mực trước nay mà các "ông lớn" ngành game di động đã đề ra. Điều này nói lên được quan điểm tự do: quy luật là do con người đặt ra, và luật được đặt ra để… bị phá vỡ.

 Trường Nghi - Thanh Long

Trường Nghi - Thanh Long

>> Chàng trai viết game Flappy Bird gây sốt toàn cầu
>> Flappy Bird đạt doanh thu 1 tỉ đồng mỗi ngày
>> Thực hư chuyện đâm chết anh ruột vì chơi game Flappy Bird giỏi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.