Mỹ đòi Trung Quốc giải thích 'đường lưỡi bò'

07/02/2014 03:15 GMT+7

Mỹ đã gây sức ép buộc Trung Quốc phải làm rõ tuyên bố đơn phương về lãnh hải trên biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật quốc tế.

Mỹ đã gây sức ép buộc Trung Quốc phải làm rõ tuyên bố đơn phương về lãnh hải trên biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật quốc tế.

Mỹ đòi Trung Quốc giải thích “đường lưỡi bò”
Tàu cảnh sát biển là một trong những phương tiện được Trung Quốc sử dụng để đẩy mạnh kiểm soát biển Đông - Ảnh: AFP

Giới chức Mỹ ngày 5.2 đã bày tỏ lo ngại về những động thái gây tranh cãi của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, mà theo đánh giá của Washington là đang bị Bắc Kinh thúc đẩy theo hướng sai trái, không phù hợp với luật quốc tế.

Trong cuộc điều trần tại quốc hội về hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc tại Đông Á, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel không ngần ngại chỉ trích sự tồn tại bất hợp lý của cái gọi là “đường lưỡi bò”. AFP dẫn lời ông Russel vạch rõ rằng Trung Quốc đã phong tỏa bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines tại biển Đông; cố tình tổ chức đấu thầu những dự án thăm dò khí đốt vốn nằm cách xa bờ biển của mình và áp đặt các quy định đánh bắt cá tại các vùng biển vẫn chưa rõ chủ quyền.

 

Philippines tố Trung Quốc bành trướng

Philippines hôm qua tố cáo Trung Quốc thực hiện các động thái bành trướng ở biển Đông qua việc đơn phương áp đặt cái gọi là “đường 9 đoạn”, theo trang Inquirer. “Chủ nghĩa bành trướng dưới hình thức đường 9 đoạn ở biển Đông là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đe dọa hòa bình và ổn định”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez phát biểu.

S.D

“Tâm lý quan ngại đang ngày càng gia tăng khi nhiều người cho rằng loại hành vi trên tại biển Đông phản ánh cố gắng có xu hướng lớn dần của Trung Quốc nhằm thực thi quyền kiểm soát khu vực bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, bất chấp phản đối của các nước láng giềng”, theo ông Russel. Ông này cho rằng mọi yêu sách của Trung Quốc về các quyền trên biển mà không dựa trên các vùng đất, đảo, đá đã được xác định… đều mâu thuẫn với luật quốc tế, vì vậy Bắc Kinh nên làm sáng tỏ hoặc điều chỉnh các tuyên bố về chủ quyền của mình tại biển Đông.

Cũng trong cuộc điều trần, nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Salmon đã dùng ngôn ngữ ít ngoại giao hơn để diễn giải toàn bộ hành vi của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp, theo kiểu “cứ tấn tới để xem đi được bao xa và xem Mỹ có gan thách thức hay không”. Trong khi đó, nghị sĩ đảng Dân chủ Gerry Connolly đánh giá có vẻ như Bắc Kinh đang lựa chọn các đối thủ trong cuộc chiến giành các vùng biển tại Đông Á.

Bên cạnh vấn đề biển Đông, ông Russel cũng lên tiếng quan ngại về “chiều hướng xuống dốc nghiêm trọng” trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Nhà ngoại giao này chỉ trích tuyên bố đầy tính khiêu khích của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên bầu trời biển Hoa Đông và sự gia tăng các hoạt động liều lĩnh gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vấn đề trên sẽ tiếp tục được thảo luận trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Washington vào ngày 7.2.

Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng đặt vấn đề về chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama tại châu Á, cho rằng nó thiếu sự vững chắc và không thuyết phục được đồng minh của Mỹ trong khu vực. “Châu Á - Thái Bình Dương là tương lai. Nó là động lực của nền kinh tế thế giới… Đã đến lúc Mỹ tìm cách khác để trấn an khu vực”, theo AFP dẫn lời ông Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

Thụy Miên

>> Xung quanh thông tin Trung Quốc tính lập ADIZ ở biển Đông: Ý đồ nguy hiểm
>> Trung Quốc bác tin lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông
>> Mỹ cảnh báo Trung Quốc về ý định lập vùng phòng không trên biển Đông
>> Trung Quốc đưa tàu 5.000 tấn tuần tra trái phép ở biển Đông 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.