Vườn tượng bên biệt thự cổ

07/02/2014 09:28 GMT+7

Từ ngôi biệt thự hoang, qua bàn tay và khối óc của nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Văn Hạng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của người dân địa phương và du khách.

Từ ngôi biệt thự hoang, qua bàn tay và khối óc của nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Văn Hạng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của người dân địa phương và du khách.

 Biệt thự cổ
Biệt thự cổ số 1 Yên Thế, TP. Đà Lạt

Ngôi biệt thự cổ và ký ức của một người Pháp

Đầu xuân Giáp Ngọ, chúng tôi trở lại khu vườn tượng của NĐK Phạm Văn Hạng trên cánh rừng thông Yên Thế. Ngôi biệt thự được tân trang bằng những bức phù điêu quanh tường nhà, cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật mới sáng tác. Khu vườn tượng được làm mới, tạo thêm lối đi quanh co, thác nước, dòng suối chen lẫn cỏ và hoa…trở nên sinh động hơn. Phạm Văn Hạng nhớ lại, cuối năm 2003, tỉnh Lâm Đồng cho ông thuê ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng tại số 1 Yên Thế với mục đích làm nhà trưng bày và sáng tác nghệ thuật. Sau khi được giao nhà và khu rừng thông, việc đầu tiên ông phải làm là tôn tạo ngôi biệt thự theo nguyên trạng. Bên cạnh đó NĐK lặng lẽ sáng tạo, đục đẽo, tạc tượng hơn 1 năm để thỏa lòng ước nguyện khai sinh một khu vườn tượng điêu khắc nghệ thuật ẩn nấp dưới bóng thông xanh Đà Lạt.

Ngồi trong ngôi biệt thự cổ, NĐK “khoe” với chúng tôi chuyện một người Pháp tên Jean Gareand, cuối năm 2011 tìm đến ngôi biệt thự mà ông từng sống thời thơ ấu (từ năm 1952-1955). Jean Gareand cho biết ngôi biệt thự số 1 Yên Thế đã đi vào ký ức tuổi thơ của ông, nay có dịp trở lại Đà Lạt, ông đưa vợ tìm đến và rất ngạc nhiên khi thấy ngôi biệt thự của gia đình mình ngày xưa vẫn được gìn giữ tôn tạo nguyên vẹn.

Nơi lưu danh các nhà văn hóa

Trong ngôi biệt thự cổ, chân dung nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin người tìm ra cao nguyên Lâm Viên được đặt ở vị trí trang trọng nhất; cạnh đó là hình ảnh các nhà văn hoá tài danh của đất nước như họa sĩ Bùi Xuân Phái, văn sĩ Nguyễn Tuân, các nhạc sĩ Đoàn Chẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Văn Cao… Trên lò sưởi cổ trưng bày hàng chục bức chân dung tự họa của Phạm Văn Hạng, cạnh đó là 4 tập thơ bằng đồng nặng 250 kg trông rất... cổ quái với kích thước 50cmx 60cm mỗi tập, trong đó lưu lại 29 bài thơ ngắn của chính Phạm Văn Hạng bằng 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và Hoa (đạt kỷ lục là cuốn sách nặng nhất Việt Nam)

Trở lại với khu vườn tượng dưới rừng thông trước ngôi biệt thự. Nơi đây đang lưu giữ những tác phẩm điêu khắc của Phạm Văn Hạng sáng tác riêng cho Đà Lạt nên có nét đặc trưng, đó là hình ảnh một thiếu nữ kiêu sa nhìn xa xăm vào chốn liêu trai, khoác trên vai chiếc khăn choàng đặc trưng của miền giá lạnh. Một nữ sinh trong tà áo dài lướt qua dưới ngàn thông hoà quyện giữa mù sương. Một thiếu phụ nằm nựng con trẻ giữa trời cao đất rộng, phơi lộ bầu sữa tràn căng sức sống. Vườn tượng còn có những hình ảnh lãng mạn diễn tả tình yêu đôi lứa qua hình tượng một đôi "chim trời", đôi "cá nước" đang ghé môi nhau, che chở nhau…

Nhân kỷ niệm Đà Lạt 120 năm, cũng là dịp kỷ niệm 10 năm gắn bó với Đà Lạt, Phạm Văn Hạng tiếp tục “thổi” thêm vào vườn tượng một vẻ đẹp mới. Vẻ đẹp hòa quyện giữa biệt thự, rừng thông, vườn tượng kết hợp hài hòa với nghệ thuật sắp đặt. Bên dòng suối, thác nước, hoa cỏ là không gian mở để du khách thưởng lãm cà phê và ngắm nhìn cảnh đẹp thơ mộng của phố núi Đà Lạt.

Bài, ảnh: Lâm Viên

>> Làng biệt thự cổ
>> Triển lãm ảnh tại biệt thự cổ
>> Trùng tu 13 biệt thự cổ Đà Lạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.