|
Cổng vào khu bảo tàng có tên gọi Cố hương viên được bài trí bằng 200 chiếc cối đá đủ niên đại khá ấn tượng; trong đó có những chiếc cối cổ được đưa về từ Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Ninh Thuận... có tuổi thọ 100 - 300 năm. Thượng tọa Thích Viên Thanh, chủ nhân bảo tàng cho biết trong gần 40 năm qua ông sưu tầm được khoảng 8.000 hiện vật gắn liền với văn hóa Phật giáo, đời sống nông nghiệp, nông thôn và nền văn minh lúa nước của các dân tộc VN, đặc biệt có rất nhiều cổ vật của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây nguyên.
Bước vào bảo tàng, đập vào mắt người xem đầu tiên là chiếc trống da trâu có tuổi thọ trên 150 năm, do đồng bào Tây nguyên tặng, gần đó trưng bày trên 100 cồng chiêng, chiếc lớn nhất có đường kính 90 cm. Nơi đây đang lưu giữ trên 50 chiếc lư đồng, tượng đồng, trong số đó có chiếc lư tuổi thọ khoảng 400 năm được mua của một gia đình hoàng tộc ở Huế đưa về Đà Lạt. Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ hàng trăm chiếc cân, đèn măng xông, đồng hồ cổ, máy chụp hình..., có cả những con dao bổ cau, dao phát rẫy, những chiếc cày, bừa bằng sắt, gỗ.
Thượng tọa Thích Viên Thanh tâm sự: “Tôi vẫn tâm đắc nhất là bộ sưu tập nồi đồng các loại. Có những nồi đồng nhỏ xíu người nông dân dùng để kho cá, nấu thức ăn và có cả những nồi đồng nấu cơm đủ cho 50 người ăn. Đây là những cổ vật gắn bó hàng nghìn năm với cha ông mình. Tôi muốn giới trẻ hôm nay hiểu được một góc quá khứ của dân tộc mình...”.
Không chỉ lưu giữ các cổ vật, thượng tọa Thích Viên Thanh còn sưu tập các loại gỗ lũa có dáng tự nhiên, tượng Phật Di Lặc, tượng La hán, Bồ Đề Đạt Ma... bằng gỗ. Ngoài ra, còn có bộ sưu tập về đá từ các vùng thánh tích Phật giáo như Ấn Độ, Nepal, Nhật Bản... Đầu xuân Giáp Ngọ, thiền viện vừa hoàn thành tượng Phật Niết bàn dài 8 m từ những khối gỗ xoan đào.
Lâm Viên
>> Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc ở Phú Quốc
>> Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
>> Đúc Đại hồng chung tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
>> Xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
>> Thiền viện Trúc Lâm - chốn Phật môn trong lòng thành phố
Bình luận (0)