|
Hôm nay 11.2, ghi nhận của PV Thanh Niên Online tại hai bệnh viện nhi ở TP.HCM cho thấy, có rất đông trẻ được bố mẹ đưa đến khám bệnh sởi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều người bồng bế con chen nhau chờ đến lượt khám. Trong đó, có nhiều trẻ mắc bệnh sởi. Tại các phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ khám cho bệnh nhi không kịp ngừng nghỉ.
Vợ anh Trí (ngụ tỉnh Cần Thơ) từ phòng khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, bế con đang sốt và nổi ban đỏ bước ra than thở với chồng rằng: “Số thứ tự con mình là 32, giờ ngoài bảng là 33 rồi nhưng vô nãy giờ vẫn chưa đến lượt, đông lắm con nó khó chịu cứ khóc, ẵm ra ngoài cho thoáng tí vào lại”.
Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bà Châu Thị Mới (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đưa cháu nội 10 tháng tuổi đi khám cho biết: “Cháu bị đã 8 ngày rồi, lúc đầu chỉ sốt, sau đó 3 ngày thì nổi ban đỏ đầy người. Đưa cháu quay lại bệnh viện để khám thì được chẩn đoán mắc bệnh sởi”.
Tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều phụ huynh lo lắng vì tình trạng sốt và nổi ban đỏ của con mình.
Chị Nguyễn Thị Mến (ngụ tỉnh Tiền Giang), mẹ của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Khang cho biết: “Lúc đầu bé chỉ sốt nên ở nhà đưa đi khám tư, nhưng sau 3 ngày vẫn không khỏi mà còn xuất hiện thêm nhiều đốm đỏ trên người và mặt, nên tôi đã đưa cháu lên đây để khám thì được biết đây là bệnh sởi”.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết bệnh sởi bắt đầu xảy ra nhiều từ cuối năm 2013. Những ngày qua bệnh xảy ra nhiều hơn. Ngày 10.2, có đến 12 trẻ nhập viện.
Hiện ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 có 32 trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị nội trú. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi, nhưng nhiều nhất là dưới 2 tuổi.
Triệu chứng bệnh thường gặp những ngày đầu là sốt cao, ho, sổ mũi. 3 ngày sau thì ban đỏ xuất hiện, mọc dày khắp cơ thể.
Thường, khi các nốt ban sởi bay hết khi trẻ hết sốt và để lại các vết thâm. Tuy nhiên, sau đó vết thâm sẽ mất đi không cần bôi thuốc.
Theo các bác sĩ, ngoài việc bệnh xảy ra theo mùa (thường từ tháng 2 - 5 hằng năm), thì có thể do thời gian gần đây vì xảy ra một số trường hợp bị tai biến sau tiêm vắc xin, nhiều người e ngại không đưa trẻ đi tiêm vắc xin, nên bệnh gia tăng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh sởi thường tự khỏi, nhưng nếu không điều trị sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng. Biến chứng của bệnh thường là viêm phổi; viêm não cũng có thể gặp nhưng hiếm hơn.
Thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày, sau đó phát sốt. Lúc phát sốt nhưng chưa nổi ban cũng lây nhiễm bệnh cho người khác. Bệnh lây qua đường hô hấp.
Thanh Tùng - Lương Ngọc
>> Bệnh sởi lan rộng nhiều tỉnh, thành
>> Bệnh sởi quay trở lại tấn công trẻ
>> Béo phì và bệnh sỏi thận
>> Bệnh sởi trái mùa ở trẻ gia tăng
Bình luận (0)