Tôi lại hỏi: “Ông xã không giúp được gì à?”. “Anh ấy đang khòm lưng lau nhà từ sáng đến giờ. Lau cho sạch trước lúc giao thừa. Vừa lau vừa càm ràm. Thi thoảng lại hát giễu: “Ô sin ời, Ô sin hỡi nữa”. Em vừa tức điên, lại vừa thương anh ấy”. Chị bạn cúp máy đột ngột. Tôi đoán là một chảo thịt mà chị đang nấu chuẩn bị thành than.
Hai vợ chồng đều làm báo. Quanh năm họ ăn cơm bụi nhiều hơn cơm nhà. Từ chuyện dọn dẹp nhà cửa đến việc dạy dỗ con cái, đưa đón con đi học đều giao cho người giúp việc- một cô bé ở quê mà anh cất công đi tìm cả mấy tháng trời. Cả cha mẹ chị đều phản đối cho việc đi tìm người giúp việc. Ông bà cụ cho rằng như thế là bót lột! Nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác. Nghe chị bạn kêu trời cho việc nấu bữa cơm duy nhất trong năm, tôi vừa buồn cười lại vừa giận chị. Tôi biết, cả hai vợ chồng đều là dân ở quê, con nông dân, may mắn được học hành tử tế và trụ được ở Hà Nội. Đã là con nông dân, chuyện bếp núc, nhà cửa chỉ là chuyện vặt, kêu gì? Đến tối giao thừa, xem truyền hình tôi mới biết họ đã quần nhau với loạt phóng sự đến 29 Tết. Làm việc đến năm cùng tháng tận như thế, thuê Ô sin là phải thôi.
Chiều mùng 3 Tết, tôi gọi điện trêu ông xã chị: “Còn lau nhà nữa hết? Ô sin đã lên chưa?”. Ông bạn nói như mếu: “Mùng 4 đi làm rồi mà giờ này chẳng thấy nó đâu cả. Chắc là nó ở dưới quê luôn rồi!”. Tôi không buông ông bạn: “ Chắc là ông bà keo kiệt quá nên nó ở dưới quê luôn đó thôi”. Ông bạn la lên như muốn vỡ cả máy: “Ông đừng có ác mồm như thế. Hôm 26 Tết, tôi từ Sài Gòn về còn mua cho con bé bộ quần áo xịn. Vợ tôi bảo nó mặc thử để cô ấy thẩm định. Nó mặc xong bộ cánh, tôi thấy mặt bà xã ỉu xìu luôn. Tết này là nó mười tám rồi mà”.
Nghe ông bạn tường trình thế, tôi biết, người vui nhất khi Ô sin không trở lại, chính là chị bạn của tôi...
Trần Đăng
Bình luận (0)