Dù đã xảy ra gần 1 năm nhưng thảm án sát hại 5 phu trầm đã để lại những nỗi ám ảnh đối với nhiều người, từ thân nhân bị hại, bị can, thậm chí đến những người điều tra án. Một bản án nghiêm minh đang là điều mọi người trông đợi...
|
Trong những lần công tác vùng cao, người viết có dịp đến với xã Hướng Việt và Hướng Sơn (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi trú ngụ của hai “quỷ dữ” Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành thảm sát 5 phu trầm. Cũng như bao bản làng vùng cao khác phía tây của Quảng Trị, nơi đó tuy nghèo khó nhưng yên ả, tuy khó khăn nhưng cái nghĩa con người với con người nặng hơn những hòn đá to trên núi.
Vì vậy, vụ thảm án đã khiến người dân vùng giáp biên vô cùng hoang mang lo sợ. Và họ còn choáng váng hơn khi những kẻ gây án chẳng xa lạ gì với mình. Bởi Công và Thành vốn xuất thân trong những gia đình cán bộ, nổi tiếng là những “ông trời con” ở vùng cao khốn khó này. Bố Công trước đây là Phó chủ tịch UBND xã Hướng Việt, trong khi bố Thành là Trưởng đồn công an vũ trang Cù Bai (về sau làm Trưởng công an H.Hướng Hóa rồi nghỉ hưu).
Đến cả thân nhân của Thành khi nghe tin hắn bị bắt đã không tin đó là sự thật. Còn vợ và con của Công may mắn được cơ quan điều tra kết luận “không có cơ sở để xử lý hình sự” dù những ngày Công và Thành nấp trong rừng ma, cả hai đã tiếp tế cơm nước.
Còn nhớ, lúc Công và Thành vừa bị bắt, dân bản kéo đến rất đông tại Đồn biên phòng Cù Bai. Người thở phào nói: “Từ nay bình yên rồi, vào rừng không còn sợ nữa”, người cảm thán: “Xui cho bản vì sinh ra hai thằng này nhưng may là chúng đã bị bắt rồi”.
Nhưng nói vậy thôi, chắc sẽ còn lâu, rất lâu nữa dân bản và núi rừng nơi đây mới xóa sạch được ký ức về tội ác man rợ ấy.
“Chẳng ai muốn phải làm án như thế này”
Đó là lời tâm sự thực tình của nhiều trinh sát, điều tra viên của lực lượng biên phòng và công an tỉnh Quảng Trị đã tham gia phá án. Dù rằng, thành công của chuyên án 313G là chiến tích lớn lao của họ trong năm 2013, nhiều tập thể cá nhân đã được các cấp T.Ư và địa phương vinh danh. Dù rằng trách nhiệm của các anh là phải đấu tranh, tìm ra và chống lại cái ác...
Vất vả, vượt suối băng rừng thì đã rõ rồi, vì chỉ sau khi chuyên án kết thúc, có 1 cảnh sát và 6 sĩ quan biên phòng đã phải nhập viện hồi sức và điều trị sốt rét. Nhưng có lẽ điều đó không ám ảnh họ bằng tính chất của vụ việc mà họ đã dần làm sáng tỏ. Bởi dù có là lực lượng chức năng hay là ai đi nữa, họ cũng chỉ là con người, biết ớn lạnh trước những tội ác quá ghê rợn.
“Đời làm án của tôi chưa bao giờ gặp cái án khủng khiếp như thế. Thường, người ta giết người có khi vì thù hằn cá nhân quá sâu đậm đến mức không đội trời chung hoặc vì bị dồn đến bước đường cùng hoặc bột phát lần duy nhất, nhưng ở đây nhóm của Công và Thành chưa rơi vào các hoàn cảnh đó. Giết người mà còn giết lần lượt từng người một. Hạ sát người hàng loạt như vậy thì quá ác độc, vô cảm, chỉ có cái máy thì làm được chứ con người ít ai dám ra tay”, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Công an tỉnh Quảng Trị), thượng tá Trần Văn Đông phân tích.
Quỷ dữ chờ ngày đền tội
Nhiều người vì căm phẫn mà buột miệng rằng tội ác như của Công, Thành, Nguyên phải đem ra tử hình vài lần mới hết. Còn theo những lập luận đanh thép của bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Trị thì hành vi của Công và Thành đã phạm vào tội “giết người”, “cướp tài sản”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Và hầu hết, các hành vi đều phạm vào các điểm, các khoản quy định khung hình phạt cao nhất của các tội danh.
|
Về trách nhiệm dân sự, đại diện gia đình 5 phu trầm bị sát hại yêu cầu các bị can bồi thường gần 800 triệu đồng và các khoản cấp dưỡng cho con của các phu trầm chưa đến tuổi thành niên. Chỉ có điều, nếu tòa đồng ý, với hoàn cảnh của gia đình Công, Thành để có chừng ấy tiền còn khó hơn... lên trời.
Nhiều ngày qua, một số cơ quan truyền thông đưa tin trong tháng 2 này vụ án thảm sát 5 phu trầm sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, các nguồn tin của PV Thanh Niên tại TAND tỉnh Quảng Trị chưa xác nhận điều này. “Hiện, vẫn chưa có lịch xét xử”, một nguồn tin cho biết. Riêng đối với Hồ Văn Nguyên, như Thanh Niên đã thông tin, cơ quan chức năng nước bạn Lào sẽ có một phiên tòa độc lập để xét xử.
Nhưng dù vụ án có được đưa ra xét xử vào thời gian nào, ở đâu thì người dân, dư luận vẫn mong mỏi một bản án thích đáng để kịp thời răn đe các “phiên bản tương tự” như Công, Thành đang ở đâu đó trong xã hội. Nói như một cán bộ hưu trí ở TP.Đông Hà thì: “Pháp luật của ta có khoan hồng, có tình có lý nhưng điều đó có lẽ không nên dành cho những kẻ như Công và Thành. Chúng cần bị loại vĩnh viễn ra khỏi xã hội văn minh này”.
Nguyễn Phúc
>> Điều tra vụ ăn chặn tiền của phu trầm
>> Vụ sát hại 5 phu trầm vùng biên: Làm rõ vai trò của từng nghi phạm
Bình luận (0)