|
Nhậu với ông vừa dễ lại vừa khó. Khó ở chỗ là không được nói bậy, đừng ỷ có men mà buông tuồng cá mè một lứa, lại không được đứng ngồi ngả ngớn, ăn nói tầm phào; còn dễ ở chỗ đã ngồi chung chiếu thì không kênh kiệu, không cậy “đàn anh” ăn hiếp cánh trẻ. Được một cái là ông Sáng kể chuyện rất có duyên. Những chuyện từ xửa từ xưa liên quan đến các nhà văn “tiền chiến”, chuyện làng văn trận bút, ông nhớ vanh vách, kể mạch lạc từng chi tiết.
Ông từng thú thật, lần đầu tiên biết ăn thịt chó là do nhà văn Nguyên Hồng hướng dẫn. Lúc ấy, nhìn thịt cầy bày biện trên mâm, ông sợ quá, không dám đụng đũa. Cha đẻ của Bỉ vỏ, Năm Sài Gòn bảo ông từ hàng trăm năm trước ông bà ta đã ăn rồi và nay vẫn còn ăn: “Như vậy, nó có lý do tồn tại, cậu nên ăn để biết cái lý do tồn tại của nó”. Với câu nói khiêu khích đầy tính “triết học” ấy, ông “liều mình như chẳng có”, thử xem sao! Kể xong, ông Sáng ngửa mặt lên trời cười rổn rảng: “Nguyên Hồng dạy tao muộn quá”. Nếu nhà văn Sơn Nam ăn uống xuề xòa, dễ dãi, thế nào cũng được thì ngược lại, ông Sáng lại kỹ tính hơn nhiều. Chẳng hạn, lúc kết thúc cuộc nhậu, bao giờ nhà hàng cũng phải chuẩn bị cho ông một tô cơm trắng, ăn với đồ kho mặn. Điều này đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch.
Mà cũng chính vì vậy, bộ phim của NSƯT Trịnh Lê Văn chuyển thể từ tác phẩm của ông đến nay vẫn… giậm chân tại chỗ. Dăm năm trước, ngồi với nhau, có cả ông Sáng nữa, Văn tâm sự: “Tôi thích cá tính của người nông dân Nam bộ quá”. Ông Sáng hỏi: “Thích chỗ nào?”. Văn thưa: “Cái đoạn kết trong Một chuyện vui của anh”. À! Đó là chuyện một du kích đang chèo xuồng tránh hỏa tiễn Mỹ. Đoạn ấy, ông Sáng viết: “Đùng... Hú hồn hú vía. Nó bắn xém mũi xuồng, nước tát vô mặt tôi, tôi chới với muốn té. Nè, tại sao nó chỉ có bốn trái hỏa tiễn thôi vậy bà con? Nó cũng lại đảo, lại siết. Nó làm như sắp “sút” tôi nữa vậy. Nhưng tôi đã biết tẩy nó rồi. Anh cán bộ Củ Chi dừng xe nhìn lên và cười. Còn tôi, tôi không làm như vậy. Thấy nó nghiêng nghiêng ngó ngó tôi liền xắn quần trỏ... lên!”. Đọc lại vanh vách, Văn vỗ đùi: “Làm phim thì hấp dẫn nhỉ?”. Ông Sáng bật cười khuyến khích: “Ừ, hay đó mậy, làm đi”. Vậy mà từ buổi nhậu hôm ấy đến nay, mọi việc hầu như chưa thể đóng máy. Đơn giản, những lúc đạo diễn và nhà văn đi về Nam bộ chọn cảnh, dựng phim thì hỡi ôi, đã có biết bao nhiêu người ái mộ vây quanh ông Sáng. Rồi, như một lẽ tự nhiên không thể nào từ chối: cuộc nhậu lại bày ra. Thế là mất phéng từng ngày.
Vậy thì, ông Sáng viết văn lúc nào? Có lần nghe tôi đặt câu hỏi “trầm trọng” ấy, ông xua tay: “Viết trong lúc nhậu chứ lúc nào nữa mậy?”. Nghe lạ tai quá, ông bảo: “Cứ ngồi nghe mọi người trò chuyện là có khối chuyện hay, chi tiết hay để chọn lọc mà viết”. Nhiều lần hầu chuyện với “đại ca” Sáng, tôi mới vỡ lẽ: nhiều người nhậu nhưng chìm lỉm mất xác trong cơn say, quên cả lối về. Các nhà văn lại khác, nhậu cũng là một cách tích lũy, chiêm nghiệm và tìm kiếm chi tiết đời thường để hư cấu cho tác phẩm văn học. Đến nay, trong sổ tay của bạn thơ Trần Hoàng Nhân còn ghi lại câu nói “trứ danh” lúc ông Sáng cao hứng: “Đi tè không khai nhưng đi nhậu khai tùm lum”. Chi tiết đời thường là chỗ đó, chứ đâu xa. Có lần ông bảo với anh em viết trẻ: “Chi tiết mà nhà văn có được là do góp nhặt trong đời sống, từ đó mà nhân lên trong tác phẩm của mình”.
Trong cuộc nhậu ồn ào, nếu tinh ý, cứ ngồi gần ông Sáng, nhỏ nhẹ bên tai ông thầm thì, tâm sự thì học được khối chuyện hay. Tôi còn nhớ mãi chuyện “nhặt chữ” của nhà văn lớn Nguyễn Tuân do ông kể. Lúc tập kết ra bắc, có lần nhà văn Vang bóng một thời hỏi ông Sáng cặn kẽ: “Sao gọi rượu đế? Làm phách rồi lại làm tàng là sao? Treo thế nào là treo tòn teng? Say sao gọi xà quần?...”. Rồi nhà văn Nguyễn Tuân thích thú khi biết đèn Huê Kỳ trong Nam bộ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi “đèn trứng vịt”… Bản thân, ông Sáng cũng quan tâm đến việc làm giàu thêm vốn từ: “Tao thích chơi với những người làm khác ngành nghề, hổng phải đồng nghiệp, có như vậy mới biết thêm nhiều lời ăn tiếng nói của nhiều giới”. Điều này, cứ đọc lại tác phẩm của ông thì rõ.
Thêm một điều nữa, Nguyễn Quang Sáng là người quan sát rất giỏi. Có đôi lần, vì tò mò, tôi hỏi ông nhận xét về người này người kia, ông nói ngay chẳng ngần ngại gì. Với Sơn Nam, ông nhận xét: “Nhà văn Sơn Nam nghèo nhưng lại rất sang”. Ủa? Sao lại sang? Ông cười và nói quả quyết: “Cái tên Sơn Nam là cái tên sang trọng của làng văn nước nhà”. Đồng nghiệp cùng trang lứa, đánh giá về nhau như thế không phải ai cũng có dũng khí để nói ra những câu ấy. Thật đấy! Thế mới biết tính cách của ông Sáng hào sảng thế nào.
Đã có quá nhiều người viết về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi là người sinh sau, có cơ duyên nhiều lần chạm cốc cùng ông, nay viết đôi dòng này nhằm tưởng nhớ một đồng nghiệp đi trước rất đỗi đáng kính. Và còn có một chút riêng tư, hơn mười năm trước, chính ông và nhà thơ Chim Trắng đã ký tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam - kết nạp cùng đợt với nhà phê bình Huỳnh Phan Anh, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Nguyễn Thái Dương.
Thoáng đó, người ơn của mình đã đi xa mãi mãi. Thử hỏi, lòng sao không bùi ngùi?
Lê Minh Quốc
>> Vợ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: 'Tôi cứ nghĩ mình đi trước ông ấy
>> Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng
>> Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời
>> Nguyễn Quang Sáng với bạn bè
>> Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra mắt tác phẩm mới
Bình luận (0)