Vụ án gây thương tích kỳ lạ

16/02/2014 09:10 GMT+7

Theo dự kiến ngày 20.2 tới đây, TAND tỉnh Hà Nam sẽ mở phiên phúc thẩm lại vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người liên quan đến bị cáo Nguyễn Hữu Liêm, nguyên cán bộ Công an tỉnh Cao Bằng. Đây là vụ án có nhiều tình tiết pháp lý gây tranh cãi và đã kéo dài gần 3 năm qua.

Theo dự kiến ngày 20.2 tới đây, TAND tỉnh Hà Nam sẽ mở phiên phúc thẩm lại vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người liên quan đến bị cáo Nguyễn Hữu Liêm, nguyên cán bộ Công an tỉnh Cao Bằng. Đây là vụ án có nhiều tình tiết pháp lý gây tranh cãi và đã kéo dài gần 3 năm qua.

Vụ án gây thương tích kỳ lạ
Hiện bị cáo Nguyễn Hữu Liêm đang sống với vợ cũ và 2 con gái của nạn nhân Nguyễn Thế Hanh - Ảnh: Hoàng Trang

Bỗng dưng... chấn thương sọ não ?

Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 15.9.2010, Nguyễn Hữu Liêm (40 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Cao Bằng) điều khiển xe ô tô chở chị Nguyễn Thị Ngân lưu thông trong thành phố Phủ Lý, Hà Nam thì bị ông Nguyễn Thế Hanh (45 tuổi, là chồng cũ của bà Ngân, đã ly dị) đi xe máy chặn lại. Giữa hai bên đã xảy ra xô xát với nhau và được người đi đường can ngăn nên sau đó, ông Liêm tiếp tục lái xe về Phủ Lý, ông Hanh đi xe máy về nhà.

Nhưng ngay hôm sau (tức ngày 16.9.2010), ông Hanh vào Bệnh viện đa khoa Hà Nam để điều trị, đến chiều ngày 17.9.2010 thì xuất viện về nhà và đến 2 giờ 30 phút ngày 19.9.2010 thì ông Hanh tử vong. Kết quả giám định pháp y của Công an tỉnh Hà Nam xác định, ông Hanh tử vong là “do chấn thương sọ não kín, tụ máu dưới màng cứng, chèn ép các trung tâm sống. Trên cơ thể nạn nhân bị suy thận mãn tính”.

Gần 8 tháng sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Hà Nam khởi tố Nguyễn Hữu Liêm về hành vi cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 13.2.2012, TAND thành phố Phủ Lý tuyên phạt ông Liêm 7 năm tù giam về về hành vi nói trên, đồng thời buộc bồi thường cho gia đình nạn nhân 70 triệu đồng tiền mai táng, tổn thất vật chất, tinh thần. Tại phiên phúc thẩm ngày 20.8.2012, TAND tỉnh Hà Nam sửa án sơ thẩm, tuyên phạt ông Liêm 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tháng 5.2013, Viện KSND tối cao đã ra kháng nghị bản án phúc thẩm về phần hình phạt để xét xử phúc thẩm lại.

Đạp hay không đạp ?

Trong quá trình xét xử cho đến nay, bị cáo đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan tố tụng cho rằng bị điều tra, truy tố, xét xử oan. Cáo trạng và các bản án nhận định bị cáo Liêm đã có hành vi đạp ông Hanh khiến ông này bị ngã ngửa ra nền đường, vùng chẩm trái đập xuống đường chấn thương sọ não kín. Tuy nhiên, bị cáo đưa ra nhiều tài liệu để cho rằng cáo buộc của cơ quan tố tụng là áp đặt, suy diễn, không phù hợp với hồ sơ vụ án. Bị cáo cho rằng lời khai của các nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ xô xát giữa bị cáo và ông Hanh chiều 15.9.2010 khẳng định ông Hanh không bị ngã đập đầu xuống đất. Nhóm nhân chứng trực tiếp tiếp xúc với ông Hanh sau khi xô xát cũng khai không có thương tích nào trên phần đầu ông Hanh. Hồ sơ bệnh án của ông Hanh khi vào bệnh viện xác định không có thương tích vùng chẩm trái trên đầu, lý do vào viện là do đau vùng mũi ức. Trong quá trình vào bệnh viện, nạn nhân Hanh tự đi lại để chiếu chụp X quang rồi sang khoa thận chạy thận để lọc máu...

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra vụ án, các văn bản giám định, kết luận của cơ quan tố tụng đã gây ra nhiều tranh cãi. Ngày 12.5.2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Nam có văn bản gửi Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam khẳng định: “Đến nay không có tài liệu nào phản ánh khi bị ngã vùng đầu của anh Hanh bị đập xuống đất. Để có căn cứ đánh giá tính chất khách quan vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Trung tâm pháp y Hà Nam cho biết với tình trạng tư thế ngã ngửa, mông chạm nền đường thì vùng đầu anh Hanh có đập xuống nền đường được không”. Văn bản của trung tâm pháp y sau đó trả lời rằng, do ông Hanh bị suy thận mãn tính đang phải chạy thận nhân tạo nên sức khỏe yếu, nếu bị ngã thì “đầu có thể bị đập xuống đường”. Sau các văn bản này, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra kết luận ông Liêm đạp ngã ông Hanh khiến vùng chẩm đập xuống nền đường. Viện pháp y sau đó cũng có kết luận nguyên nhân tử vong của ông Hanh là do “chấn thương sọ não kín gây chảy máu não và phù não nhưng không được điều trị”.

Trong đơn kêu oan, bị cáo Liêm đặt vấn đề cơ quan tố tụng cần làm rõ các thương tích của ông Hanh xuất hiện khi nào, việc không điều trị dẫn đến tử vong là trách nhiệm của ai...

Éo le...

Trong quá trình xảy ra vụ án, bị cáo Nguyễn Hữu Liêm nảy sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân với bà Ngân. Hai người có một con riêng và hiện sống với 2 con chung của bà Ngân và nạn nhân Hanh. Trong các phiên tòa, bà Ngân tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng và đại diện cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (2 con riêng) và là vợ của bị cáo.

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.