Chuyện cảm động về bức ảnh Trường Sa

18/02/2014 09:50 GMT+7

(TNO) Con đầy 1 tháng tuổi anh mới về thăm được 2 ngày rồi lại khăn gói vào đơn vị. Lần thứ 2 ra đảo, đứa con trai Trần Gia Bảo đã biết gọi ba, biết ba lên tàu để đi đảo.

(TNO) Phóng viên Thanh Niên Online mang những hình ảnh chụp thượng úy Trần Thanh Sơn, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B, Quần đảo Trường Sa đến cho người cha của anh là ông Trần Thanh Xuân (58 tuổi, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đang nằm điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong lúc sức khỏe ông rất yếu.

 Thượng úy Trần Thanh Sơn (bên phải) nhận quà của đoàn công tác từ đất liền ra - Ảnh: Mai Thanh Hải
Thượng úy Trần Thanh Sơn (bên phải) nhận quà của đoàn công tác từ đất liền ra
- Ảnh: Mai Thanh Hải

Trưa 17.2, khi tôi đến, ông Xuân nằm mê man và phải thở bằng máy tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc. Một người phụ nữ luống tuổi đứng thinh lặng bên cạnh giường bệnh, đó là bà Lê Thị Thạnh (56 tuổi), vợ của ông Xuân.

Tôi khẽ giới thiệu và đưa những tấm ảnh ra cho bà. Khi đôi bàn tay nhăn nheo vừa cầm lấy những tấm ảnh cũng là lúc nước mắt bà Thạnh tuôn trào. Bà đưa ngón tay gầy yếu sờ lên tấm ảnh, ở đó có bóng dáng con trai bà đang đứng ở nơi địa đầu của Tổ quốc; rồi bà ôm tấm ảnh vào lòng như là đang ôm đứa con trai mình sau bao nhiêu ngày xa cách.

 Bà Thạnh, mẹ anh Sơn cảm động trào nước mắt khi nhận được những hình ảnh của con trai đang ở Trường Sa, người đang nằm trên giường bệnh là ông Xuân, ba của anh Sơn - Ảnh: T.Q.N
Bà Thạnh, mẹ anh Sơn cảm động trào nước mắt khi nhận được những hình ảnh của con trai đang ở Trường Sa, người đang nằm trên giường bệnh là ông Xuân, ba của anh Sơn - Ảnh: T.Q.N

Sau những phút giây nghẹn ngào, tĩnh tâm lại bà bắt đầu trò chuyện với tôi, kể về những ngày tháng cơ cực. Bà cho hay: “Ông ấy bị bệnh parkinson đã 6 năm rồi, nhà khó khăn, không có tiền nhưng cũng phải chạy vạy, mượn chỗ này chỗ kia để đưa ông đi chữa bệnh từ Huế cho đến Hà Nội; đi lui đi tới không biết bao nhiêu lần. Giờ bệnh chuyển nặng, biến chứng qua ho, không thở được, phổi mờ hết”.

Ông Xuân nhập viện cấp cứu vào ngày 15.2, lúc tỉnh lúc mê; khi tỉnh ông lại ra hiệu cho người thân biết là mong nhớ và muốn gặp người con trai đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, dù chỉ qua hình ảnh.

Biết được ý nguyện của ba mình nhưng không thể rời đảo, rời nhiệm vụ thiêng liêng, anh Sơn nghĩ cách gửi hình về cho cha. May mắn, anh nhớ đến nhà báo Mai Thanh Hải (đang công tác tại Tòa soạn Thanh Niên Online) đã chụp nhiều bức ảnh ở đảo, trong đó có anh. Và từ những bức ảnh do anh Mai Thanh Hải chuyển về, tôi đã mang ra hiệu ảnh rửa rồi đưa đến cho ông, tiếc là sức khỏe của ông Xuân đã quá yếu.

Bà Thạnh bảo: “Khi nào ông tỉnh thì sẽ đưa cho ông xem, chắc ông mừng lắm, nhưng ông không nói được, chỉ biểu lộ cảm xúc qua ánh mắt. Từ khi ông trở bệnh nặng, hầu như ngày nào Sơn nó cũng gọi điện về, cũng chẳng nói được nhiều, tôi cứ cầm máy mà khóc”.

Tất cả vì Tổ quốc

Tại bệnh viện, tôi cũng đã gặp, trò chuyện với vợ anh Sơn là chị Nguyễn Thị Thanh Hóa. Chị Hóa cùng con trai 2 tuổi mới từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về chăm cha chồng.

Chị Hóa kể, đợt này là anh đi đợt thứ 2, đến tháng 7 này mới hết thời gian và về đất liền. Đợt 1 anh đi vào năm 2012, khi anh đang còn ngoài đảo thì chị ở quê nhà sinh con đầu lòng. Con đầy 1 tháng tuổi anh mới về thăm được 2 ngày rồi lại khăn gói vào đơn vị. Lần thứ 2 ra đảo, đứa con trai Trần Gia Bảo đã biết gọi ba, biết ba lên tàu để đi đảo.

 Chị Hóa, vợ anh Sơn, trò chuyện với chồng qua điện thoại di động khi nhận được ảnh - Ảnh: T.Q.N
Chị Hóa, vợ anh Sơn, trò chuyện với chồng qua điện thoại di động khi nhận được ảnh - Ảnh: T.Q.N

Hỏi chị nhắn nhủ gì với người chồng thân yêu của mình đang ở đảo, chị nói ngắn gọn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Mong anh yên tâm công tác, ở nhà đã có mẹ, các em, vợ con, sẽ cố gắng hết sức để lo cho ba”.

Được biết ông Xuân là cựu chiến binh và từng là bộ đội tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979.

Bà Thạnh nhớ lại: “Khi chúng tôi đang yêu nhau thì ông phải đi ra Lạng Sơn, đến năm 1980 ông về phép và tổ chức đám cưới, cưới xong ông lại đi đến 3 năm mới về trong này”. Hai vợ chồng ông bà sinh được 5 người con, ngoài anh Sơn còn 4 người con gái nữa.

Từng tiễn người yêu, tiễn chồng và sau này là con trai ra mặt trận, bà Thạnh hiểu rõ nhiệm vụ cao cả của người bộ đội Cụ Hồ. Bà từng chịu đựng và vượt qua. Giờ với Sơn cũng thế, dù lúc nào anh Sơn điện về bà cũng khóc nhưng rồi bà lại dặn: “Con luôn yên tâm mà công tác, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ở nhà đã có bà con làng xóm giúp đỡ, mẹ sẽ nhờ bác sĩ cố gắng cứu chữa để ba sống đến ngày con về đất liền”.

Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được điện thoại của anh Sơn gọi về từ đảo chìm Thuyền Chài B. Anh bày tỏ sự cảm ơn vì đã mang những hình ảnh mới nhất của anh đến với người thân, rồi anh bảo không muốn viết câu chuyện của anh lên báo vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sau khi nghe tôi tâm sự, lý giải, anh mới đồng ý.

Vậy đó, những người lính mang trên mình ánh sao vàng 5 cánh luôn biết chịu đựng và hy sinh thầm lặng. Tất cả vì từng tấc đất, từng đường biên của Tổ quốc. Bất cứ lúc nào, đất nước luôn cần những người lính như thế!

Trương Quang Nam

>> Chuyện tình lính Trường Sa: Dằng dặc giữa đảo và bờ
>> Tin yêu gửi đến Trường Sa
>> Cha-con và những cái tết ở Trường Sa
>> Bộ đội Trường Sa đón xuân nhưng không quên nhiệm vụ
>> Tiệc tất niên ở Trường Sa
>> Mổ lợn đón tết ngoài Trường Sa
>> Video: Nơi đất liền đong đầy những tấm ảnh bộ đội Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.