Chậm tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm

18/02/2014 13:30 GMT+7

Xuất hiện tình trạng “dịch chồng dịch” tại Quảng Nam nhưng tiến độ tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm trên địa bàn lại quá chậm, trong khi tiêm phòng dịch lở mồm long móng cũng chỉ mới triển khai…

Chậm tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm
Xử lý môi trường tại vùng nhiễm dịch cúm gia cầm - Ảnh: H.X.H

“Lẽ ra đến thời điểm này, phải có trên 50.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 tiêm phòng cho các đàn gia súc mới đạt yêu cầu, nhưng thực tế mới tiêm được khoảng 11.500 liều. Quá chậm!”, ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nhận xét về tiến độ ứng phó dịch cúm gia cầm với PV báo Thanh Niên chiều qua 17.2. Kể từ khi Quảng Nam thay đổi cơ chế tiêm phòng vắc xin chống dịch (chỉ hỗ trợ vắc xin để khống chế tại vùng dịch, các vùng khác thì xã hội hóa nguồn vắc xin), mỗi lần xuất hiện đợt dịch mới thì địa phương vận động người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng. Theo ông Lê Muộn, giá mỗi liều vắc xin rất thấp (chừng 500 đồng/liều kể cả phí vận chuyển), nhưng các bên gặp trở ngại do đại lý tại địa phương ít dự trữ vì kèm theo nhiều điều kiện bảo dưỡng khác, phải đăng ký trước…

Vì vậy, dù đã có gần 100.000 liều vắc xin được đăng ký ở các huyện trọng điểm dịch lần này (Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên, Đại Lộc…), nhưng kết quả tiêm phòng sau hơn 1 tuần xuất hiện dịch chỉ đạt khoảng 2/10. Tính đến hôm qua, tại địa bàn các xã phát hiện dịch cúm gia cầm, chỉ có xã Duy Trinh (H.Duy Xuyên) đã qua 21 ngày, còn lại các xã Duy Châu (cùng huyện), Bình Chánh, Bình Nguyên (H.Thăng Bình) còn đang theo dõi. Trong tổng số gần 18.000 con vịt bị tiêu hủy, có hơn 11.200 con chết vì mắc bệnh, còn lại chết do phản ứng vắc xin sau tiêm phòng.

Trong khi đó, Quảng Nam gia tăng mối lo với dịch lở mồm long móng xuất hiện ở Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Ái Nghĩa (H.Đại Lộc). Dù đã cấp 88.500 liều vắc xin lở mồm long móng týp O và đa týp, vắc xin dịch tả lợn, vắc xin THT, vắc-xin kép ghép với dịch tả lợn… cho TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, các huyện: Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Tây Giang, tuy nhiên theo UBND tỉnh hiện các địa phương mới bắt đầu triển khai tiêm phòng. Hôm qua 17.2, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây khống chế các ổ dịch, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

H.X.Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.