“Đây là bệnh nhi mắc sởi có viêm phổi, suy hô hấp nhưng khi nuôi cấy bệnh phẩm của bệnh nhân không tìm thấy vi khuẩn. Trên lâm sàng, bệnh nhi viêm phổi có diễn biến cấp tính, tổn thương phổi lan tỏa nhanh chóng. Các yếu tố này khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng vi rút sởi đã tấn công trực tiếp vào phổi”, ông Dũng nói.
Ngoài trường hợp bệnh nhi trên, tại Khoa Nhi BV Bạch Mai cũng đang có một trường hợp mắc sởi có viêm phổi nặng, diễn biến nhanh gây suy hô hấp đang phải thở máy.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, các ca mắc sởi thông thường, bệnh nhi bị viêm phổi do bị bội nhiễm vi khuẩn nhưng gần đây đã xuất hiện các ca mắc sởi có nguyên nhân được nghĩ nhiều là do vi rút tấn công trực tiếp. Đây là điểm bất thường của các ca bệnh sởi trong đợt dịch này. “Viêm phổi do vi rút nguy hiểm, gây bệnh nặng, diễn biến nhanh. Có trường hợp bệnh nhân mắc sởi vào viện có phát ban, viêm long đường hô hấp nhưng viêm phổi chỉ sau vài tiếng đồng hồ phổi đã trắng xóa, tim to, gan to. Với diễn biến như vậy, ngay cả với bệnh nhi có thể trạng bình thường không có nền bệnh mãn tính cũng vẫn có nguy cơ tử vong”, ông Dũng lo ngại.
Viện Pasteur TP.HCM cũng cho hay đã xác định vụ dịch sởi năm nay do chủng vi rút D8 gây ra. Đây là chủng vi rút chưa từng ghi nhận tại các vụ dịch trước. Trả lời Thanh Niên chiều qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện tình trạng bệnh sởi vẫn xảy ra nhiều, số trẻ mắc bệnh nằm viện nội trú vẫn còn đông như tuần trước (bình quân trên 20 - trên 30 bệnh nhi/ngày). Một số trẻ bị biến chứng viêm phổi (dạng viêm phổi thông thường chứ không quá nặng). Theo bác sĩ Khanh, dự kiến khoảng một tháng nữa thì bệnh sởi mới có thể giảm bớt. Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo bệnh thủy đậu hiện cũng bắt đầu xuất hiện rải rác, nhưng lo ngại là vắc xin phòng bệnh thủy đậu đã hết chưa biết khi nào mới có lại. Từ nay đến tháng 6 là thời điểm bệnh thủy đậu sẽ xảy ra nhiều.
Nam Sơn - Thanh Tùng
Bình luận (0)