Ngành kỹ thuật - công nghệ: Học lực trung bình vẫn có cơ hội

19/02/2014 02:39 GMT+7

Nhiều băn khoăn của học sinh về khối ngành kỹ thuật - công nghệ đã có lời giải đáp trong buổi truyền hình trực tuyến “Chọn ngành nghề phù hợp” do Báo Thanh Niên tổ chức tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn vào chiều hôm qua.

Ngành kỹ thuật - công nghệ: Học lực trung bình vẫn có cơ hội
Nhiều câu hỏi của thí sinh được đặt ra tại buổi truyền hình trực tuyến online do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Khả Hòa

Những tố chất cần thiết

Nhiều bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi làm sao biết được bản thân có phù hợp với ngành kỹ thuật - công nghệ?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Trước hết, em cần xác định mình yêu thích loại nghề nghiệp nào, hoặc thích đặc điểm của ngành học gì. Thứ hai, em thấy mình có các đặc điểm để học khối ngành này hay không. Ngoài ra, đó còn là tính thích tìm hiểu, tò mò, có khả năng tư duy sáng tạo”.

Tiến sĩ Lê Thanh Hưng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết đa số các ngành kỹ thuật phải sử dụng toán rất nhiều. Khuynh hướng phát triển ngành kỹ thuật mới thậm chí còn đòi hỏi kỹ sư phải biết lập trình để tính toán.

Còn thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho rằng học các khối ngành này, sinh viên cần có “đầu óc mô hình”.

Sức học nào, cơ hội đó

Với những đặc điểm mà đại diện các trường nêu ra, nhiều học sinh lo lắng đặt vấn đề phải chăng khối ngành này chỉ dành cho các thí sinh có học lực khá giỏi? Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia chương trình đều khẳng định học sinh nào cũng có cơ hội nếu biết lượng sức mình.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang tư vấn thí sinh yêu thích kỹ thuật, công nghệ nếu không thể học ĐH có thể thi vào các trường CĐ, trung cấp. Theo tiến sĩ Lê Thanh Hưng, thông thường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 3 mức điểm: từ 20 trở lên, 18 và 16... Chẳng hạn ngành vật liệu xây dựng, trắc địa bản đồ... điểm thường không quá cao. Tuy nhiên, những học sinh có sức học trung bình khi vào học sẽ gặp khó khăn hơn.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết nhiều ngành của trường có mức điểm vừa phải và có bậc CĐ. Trong khi đó, thạc sĩ Lâm Thành Hiển cho rằng trường hướng đến đối tượng học lực trung bình khá nên các ngành của trường lấy điểm bằng điểm sàn (trừ ngành dược). Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường hiện đang mong muốn đào tạo sinh viên theo 2 hướng là tự khám phá năng lực bản thân, phương pháp và kỹ năng làm việc, trường lấy điểm chuẩn các ngành này bằng điểm sàn. Ông Khương Đại Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng bậc CĐ với đặc điểm học gắn liền với thực hành sẽ là lựa chọn hợp lý cho học sinh có học lực trung bình. Ngoài ra, khối ngành này cũng có nhiều ngành phù hợp với nữ.

Thế mạnh của trường

Dù cùng đào tạo các ngành giống nhau nhưng các chuyên gia cho biết mỗi trường có thế mạnh riêng, học sinh cần xem xét trường nào phù hợp để dự thi.

Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có ưu thế các ngành khoa học cơ bản và công nghệ trên nền tảng toán. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tập trung vào kỹ thuật. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có một số ngành hơi đặc thù, khác các trường khác: chuyên ngành đường sắt và metro, kinh tế vận tải biển, logistic và vận tải đa phương thức... Trường ĐH Lạc Hồng có thế mạnh là đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp, nên luôn ưu tiên lựa chọn đào tạo kỹ thuật, công nghệ trong phát triển môn học và gắn liền với yêu cầu doanh nghiệp. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có hệ thống phòng thí nghiệm mở, luôn có thầy cô hướng dẫn, giúp sinh viên có thể đến đây bất cứ lúc nào để thực hành, thí nghiệm. Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, kết hợp với các công ty hàng đầu về công nghệ thông tin cấp thêm chứng chỉ cho sinh viên ngay khi ra trường.

Xem chi tiết buổi tư vấn tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn.

Tư vấn truyền hình trực tuyến online: Học kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 20.2 sẽ diễn ra buổi tư vấn trực tuyến thứ hai với nội dung tìm hiểu khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật.

Tham dự buổi tư vấn có chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ gồm: thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; thạc sĩ Tôn Dương Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật; tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM; tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM; thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn.

Thanh Niên

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.