Lấy ma túy để “tỉnh táo” ôm vô lăng thâu đêm suốt sáng trên những nẻo đường, nhưng tỉnh táo đâu không thấy mà những ảo giác từ cái chết trắng này đã gây ra biết bao hệ lụy cho chính tài xế và người đi đường.
|
Tự lật xe container vì phê thuốc
Tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Hải Phòng đang có gần 1.000 học viên cai nghiện, thì theo ông Trần Quang Thắng, Trưởng phòng Giáo dục - Tư vấn của trung tâm, có khoảng 40 học viên từng là tài xế. Gặp chúng tôi vào một buổi chiều mưa rét giữa tháng 2, học viên N.D.B (31 tuổi, quê xã An Sơn, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) vẫn giữ nguyên ký ức về những vụ lật xe container mà chính anh gây ra khi sử dụng ma túy.
|
Trước khi dính vào ma túy, B. đã có thời gian hơn 6 năm chơi thuốc lắc, khi đó anh đang lái xe container tuyến Hải Phòng - TP.Móng Cái, Quảng Ninh cho một doanh nghiệp tư nhân. Trong những chuyến hàng đường dài tới vùng biên, anh cùng đồng nghiệp của mình tìm đến các quán bar, vũ trường chơi thâu đêm như cách tiêu khiển, giết thời gian và thuốc lắc là thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc thác loạn.
B. cho biết nhóm của anh khoảng 8 - 10 người thường đến vũ trường K.Đ ở vùng biên Móng Cái, vốn là địa điểm lý tưởng của nhiều dân chơi thuốc lắc, hoặc mua về nhà nghỉ để cùng “bay”. Theo B., một viên thuốc lắc nếu mua ở Hải Phòng vào khoảng 100.000 đồng nhưng ở Móng Cái chỉ rơi vào tầm 70.000 đồng, khách có nhu cầu có thể hỏi trực tiếp chủ nhà nghỉ, khách sạn. Do đó, cánh lái xe chở hàng, xe container có thể thỏa thuê trong cơn mê “ma quỷ”.
Năm 2009, sau khi cưới vợ, B. chuyển sang dùng ma túy, vì “chơi thuốc lắc thì mất thời gian hơn”. “Lần đó, tôi được mấy người trong tổ lái xe bảo phải dùng cái này vào mới tỉnh để đi đường dài được. Họ đưa ra một gói bột màu trắng, tôi đã dùng rồi từ đó dùng liên tục cho tới khi sức khỏe suy giảm trầm trọng”, B. chia sẻ.
Trong thời gian lái xe container, B. đã gây ra 2 vụ lật container. “Đó là những lần tôi cùng đồng nghiệp dùng thuốc lắc và thác loạn cả đêm, đến sáng hôm sau người có biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, ảo giác thuốc vẫn còn nên không tập trung lái xe được, khiến container bị lật nhào ở địa phận tỉnh Quảng Ninh. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người”, B. nhớ lại và quả quyết: “Trong giới lái xe container tôi biết, 10 người thì có tới 8 người dùng ma túy”.
Ngày càng lún sâu, mỗi ngày B. dùng ma túy khoảng 5 lần. Anh thường nhờ người cháu họ cũng là lái xe bị nghiện mua ma túy về dùng. Tháng 3.2012, khi sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, cân nặng giảm xuống còn 48 kg, B. mới xin nghỉ lái xe container và viết đơn tự nguyện vào Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Hải Phòng để cai nghiện.
Tài xế taxi cũng nghiện
Một học viên khác là V.N.Q, 34 tuổi, (quê ở xã Phục Lễ, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), cũng nhiều lần muốn dứt bỏ khỏi ma túy nhưng rồi lại tái nghiện. Từng được nhận vào làm lái xe hợp đồng cho Công an TP.Hà Nội năm 2002, nhưng do nghiện nên Q. phải thôi việc. Năm 2006, Q. chuyển sang lái cho một hãng taxi. Trong thời gian này, anh vẫn không từ bỏ được “nàng tiên nâu”, mỗi ngày thường “chơi” 4 - 5 lần. Q. cho rằng áp lực công việc cũng như hay lái xe vào đêm khuya nên anh và nhiều tài xế dùng ma túy để “thấy sảng khoái, không bị buồn ngủ khi chạy xe”. “Buổi sáng thức dậy tôi hít một liều nặng để đi làm đến trưa. Trong giờ làm việc, cánh lái xe taxi chúng tôi thường chơi ma túy ngay trên xe”, Q. cho biết.
|
Hơn 1 năm làm nghề lái taxi, Q. nói biết rất nhiều đồng nghiệp của mình cũng rơi vào cảnh nghiện ngập. “Tổ của tôi có hơn 100 người thì hơn 60 người bị nghiện ma túy”, Q. nói và cho biết có trường hợp đồng nghiệp sử dụng ma túy quá liều đã bị sốc thuốc khi đang chạy xe, dẫn đến tai nạn.
Cả B. và Q. đều cho biết những tài xế sử dụng ma túy liên tục có biểu hiện bất thường trong cách ứng xử với khách, đặc biệt là cách xử lý tình huống trên đường. “Ma túy khiến cho sức khỏe suy kiệt, thị lực của tài xế giảm nhanh nên khó nhận biết các chướng ngại vật trên đường. Từ đó, dễ gây ra những vụ tai nạn trên đường”, B. nói. Còn theo Q., hiện một số tài xế xe khách đường dài còn sử dụng thêm hàng "đá" gây ảo giác “lơ lửng như đang bay”, nên tài xế thường nhấn lút ga, phóng nhanh, vượt ẩu và tai nạn thảm khốc là điều khó tránh khỏi…
Buộc DN kiểm tra định kỳ sức khỏe tài xế Đáng báo động trong câu chuyện của B. hay Q. là hai tài xế này nghiện nặng trong nhiều năm làm nghề lái xe, nhưng doanh nghiệp (DN) nơi họ làm việc không biết hoặc biết mà không xử lý. Theo ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, rất khó chờ đợi sự chủ động của các DN trong việc kiểm soát sức khỏe của tài xế, chỉ một số ít DN chủ động và nghiêm túc thực hiện việc này. “Để buộc DN phải khám sức khỏe định kỳ thường xuyên (chu kỳ vài tháng/lần) cho lái xe, phải có thông tư quy định rõ. Điều này liên quan đến ngành y tế. Nếu Bộ Y tế có thông tư về quy định khám sức khỏe, có quy chuẩn riêng với lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bao nhiêu lần/năm thì DN mới thực hiện”, ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, việc trang bị thiết bị test nhanh kiểm tra ma túy với tài xế cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại các trạm gác rất cần thiết. “Nếu làm được điều này rất tốt, chúng tôi cũng mong Bộ Công an phối hợp với ngành y tế để thực hiện”, ông Hùng nói và kiến nghị bổ sung thêm quy định DN phải thực hiện khám sức khỏe đột xuất (trong đó có quy định ai được kiểm tra, kiểm tra những gì...), vài tháng/lần phải kiểm tra đột xuất bên cạnh các kỳ định kỳ với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm tài xế, vừa đảm bảo an toàn giao thông chung, vừa bảo vệ quyền lợi sức khỏe cho người lái xe. |
Vũ Ngọc Khánh - Mai Hà
>> Tài xế nghiện ma túy, quá nguy hiểm !
>> Đình chỉ hàng trăm tài xế nghiện ma túy
Bình luận (0)