Khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm

21/02/2014 09:31 GMT+7

Các tỉnh miền Trung - Tây nguyên đang khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm khi dịch này đang có dấu hiệu lan rộng.

Khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm

Cán bộ thú y phun hóa chất dập dịch cúm gia cầm tại H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) - Ảnh: Hiển Cừ

 

Đắk Lắk phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm

Ngày 20.2, Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết thêm một ổ dịch cúm gia cầm mới vừa được phát hiện tại xã Ea Hu, H.Cư Kuin. Như vậy, cùng với 3 xã: Ea Uy (H.Krông Pắk), Ea Wer (H.Buôn Đôn), Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), toàn tỉnh này có 4 địa phương xảy ra dịch. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 5.531 con đã được xử lý, tiêu hủy hoàn toàn. Ngoài ra, mới đây, Cơ quan Thú y vùng V thông báo có thêm mẫu bệnh phẩm gà tại xã Ea Bông, H.Krông Ana, dương tính với virut cúm A/H5N1. Hiện Sở NN-PTNT Đắk Lắk đang chỉ đạo theo dõi, giám sát tình hình dịch cúm ở các địa phương; tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng cho gia cầm và công tác kiểm dịch động vật…

                                                                                          T.N.Quyền

Ngày 20.2, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh này đã tạm ứng 112.000 liều vắc xin để cấp cho các huyện, thành phố phòng chống cúm A/H5N1. Đồng thời tỉnh Kon Tum cũng thành lập các đoàn công tác để chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; tiêu hủy trên 10.500 gia cầm, 3.600 quả trứng bị nhiễm cúm A/H5N1. Ngành chức năng của tỉnh Kon Tum còn cấp 10.000 lít hóa chất để  khử trùng môi trường tại các ổ bệnh, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán gia cầm; không cho vận chuyển gia cầm và sảm phẩm gia cầm giữa các huyện, thành phố.

Tại Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng của H.Đức Phổ tiếp tục tổ chức tiêu hủy thêm 1 đàn gà 685 con đã nuôi được 3 tháng tuổi, trọng lượng bình quân 1,5 kg/con của gia đình ông Nguyễn Lê Nhẫn (ở xã Phổ Vinh), do bị nhiễm cúm A/H5N1. Theo Chi cục Thú y Quảng Ngãi, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 8 xã thuộc huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Nghĩa Hành, với tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trên 8.700 con. Trong đó, H.Đức Phổ là địa phương có số lượng gia cầm bị tiêu hủy nhiều nhất, với hơn 5.200 con gà và vịt.

Trong khi đó tại Gia Lai, cùng với Chi cục Thú y tỉnh, lực lượng CSGT, công an các địa phương đã lập 4 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm vào Gia Lai gồm: trạm Ia Khươl (H.Chư Păh), trạm Ia Le (H.Chư Pưh), trạm Song An (TX.An Khê) và trạm Chư Ngọc (H. Krông Pa). Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum cũng thực hiện nghiêm việc nghiêm cấm nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Campuchia. Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 21.600 lít hóa chất cho các địa phương để phun thuốc tiêu độc, đồng thời ngành chức năng đã tiêu hủy hơn 15.000 con gà và hàng nghìn quả trứng, trong đó có 7.000 con gà ở một trang trại có gà nhiễm cúm A/H5N1 tại H.Ia Grai, không để mầm bệnh lây lan ra bên ngoài.

Còn tại Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo giám đốc các sở: NN-PTNT, Y tế và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước đó, Chi cục Thú y Phú Yên đã lấy mẫu bệnh phẩm gia cầm gửi xét nghiệm với kết quả 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn vịt hơn 2.000 con (đã tiêu hủy) của gia đình ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà (cùng ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, H.Đông Hòa) đều dương tính với vi rút cúm gia cầm (H5N1).

Phạm Anh - Hiển Cừ - Trần Hiếu - Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.