|
Ngày 21.2, dưới sự chứng kiến của ngoại trưởng Ba Lan và Đức, các thủ lĩnh phe đối lập Ukraine đã ký thỏa thuận sơ bộ với Tổng thống Viktor Yanukovych, theo AFP. Nội dung chính của thỏa thuận bao gồm: tạm thay thế hiến pháp hiện hành bằng hiến pháp cũ năm 2004 để giới hạn quyền lực của tổng thống và quốc hội giữ quyền bổ nhiệm thành viên nội các, thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời trong 10 ngày tới, cải cách hiến pháp sẽ được tiến hành ngay lập tức và kết thúc vào tháng 9 nhằm “cân bằng quyền lực giữa tổng thống, chính phủ và quốc hội”.
Sau khi hiến pháp mới được thông qua sẽ tiến hành bầu cử tổng thống trước hạn chậm nhất là vào tháng 12.2014, chính phủ và phe đối lập phối hợp với Hội đồng châu u điều tra các vụ bạo động trong 3 tháng qua cũng theo thỏa thuận này, chính phủ không được tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cả hai bên đều chấm dứt các hành động bạo lực và tham gia tiến trình ổn định xã hội sau khủng hoảng, mọi vũ khí bất hợp pháp sẽ phải nộp về Bộ Nội vụ trong vòng 24 giờ, lực lượng an ninh chỉ được điều động để bảo vệ các tòa công sở.
Thỏa thuận mới được kỳ vọng là sẽ giúp chấm dứt tình trạng bạo lực dữ dội mấy ngày qua ở Ukraine nhưng giới quan sát vẫn lo ngại rằng khủng hoảng vẫn chưa thể kết thúc vì phần lớn người biểu tình đòi ông Yanukovych phải từ chức. Đó là chưa kể sự tham gia gây bạo động của nhiều băng nhóm cực hữu tại Kiev.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Ukraine, ít nhất 77 người thiệt mạng và 369 người bị thương trong 3 ngày xung đột đẫm máu vừa qua. Tại quảng trường Độc Lập, những người biểu tình hôm qua tiếp tục xây dựng các “bức tường” bằng lốp xe, sẵn sàng đốt phá khi bị cảnh sát mở chiến dịch giải tán. Đến sáng 21.2, cảnh sát Ukraine cáo buộc người biểu tình nổ súng và “tìm cách đột nhập trụ sở quốc hội”.
Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo AFP. Cả ba nhà lãnh đạo đều khẳng định muốn “tìm một giải pháp chính trị” để giải quyết khủng hoảng Ukraine sớm nhất có thể. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Nga có thể sẽ “phật ý” vì EU hầu như nắm được vai trò chủ đạo trong toàn bộ quá trình từ đàm phán đến ký kết thỏa thuận giữa các bên ở Ukraine.
Cộng đồng người Việt vẫn an toàn Trả lời Thanh Niên ngày 21.2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho biết: “Tình hình nước sở tại vẫn phức tạp. Hiện cộng đồng người Việt vẫn được đảm bảo an ninh dù gặp một số khó khăn như đi lại hạn chế, giá cả nhu yếu phẩm tăng cao. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con thực hiện những biện pháp phòng ngừa như: tránh ra đường, nếu phải đi thì tránh xa điểm nóng của biểu tình, tạm gác công việc, đặc biệt là việc kinh doanh ở chợ để tránh bị kích động hoặc mất mát tài sản. Chúng tôi cũng cung cấp số điện thoại của Đại sứ quán VN (284 5542) cho bà con và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết”. Theo một số nguồn tin từ Kiev, tình trạng bạo lực chủ yếu xảy ra ở quảng trường Độc Lập còn những khu vực khác vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều về an ninh. |
Lan Chi
>> Cận cảnh người biểu tình Ukraine xây lô cốt ngăn cảnh sát
>> Cảnh tượng kinh hoàng: Xác người nằm la liệt trên đường phố Ukraine
>> Cận cảnh ‘chiến sự’ tang tóc tại Ukraine
Bình luận (0)