Từ số báo này, Thanh Niên mở diễn đàn lấy ý kiến đóng góp để tìm những tiêu chí hợp lý thay cho điểm sàn.
Bỏ là tất yếu
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng năm nay có nhiều trường trình phương án xét tuyển riêng, lấy thí sinh dựa vào kết quả học tập và tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, các trường này vẫn lấy nguồn tuyển của kỳ thi “3 chung”. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ điểm sàn thì sẽ phát sinh mâu thuẫn có những thí sinh thi chung không đủ điểm sàn xét tuyển nhưng lại đủ điều kiện khi xét tuyển kết quả học tập phổ thông. Như vậy, rất khó để giải thích với xã hội về chất lượng nguồn tuyển.
Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cũng cho rằng điểm sàn hiện nay sẽ không còn ý nghĩa nữa khi Bộ đã cho các trường tự chủ tuyển sinh. Ông Lập giải thích: “Điểm sàn trong kỳ thi “3 chung” những năm qua chỉ có ảnh hưởng tới các trường ĐH ngoài công lập và những trường vừa nâng cấp từ trung cấp, cao đẳng lên ĐH. Đây là những trường khó tuyển sinh khi bị khống chế nguồn tuyển. Năm nay, do được tự chủ tuyển sinh, các trường này đã “né” điểm sàn bằng cách xét tuyển thí sinh từ kết quả học phổ thông. Vì vậy, có giữ điểm sàn cũng không còn ý nghĩa nữa”.
Cùng quan điểm là cần bỏ điểm sàn, ông Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng: “Việc bỏ điểm sàn là tất yếu vì Bộ không thể tiếp tục dùng biện pháp hành chính để quản chất lượng đầu vào. Bộ chỉ cần tập trung vào việc phân tầng ĐH và kiểm soát chất lượng đầu ra”.
Thay bằng điểm liệt
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất phương án điểm liệt. Tiến sĩ Nghĩa phân tích: “Năm nay Bộ cho phép các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng mà chủ yếu là xét tuyển dựa vào học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, các tiêu chí xét tuyển này tạm gọi là mức sàn của các trường thi riêng. Mức điểm sàn này rất khác nhau ở các trường và ngay trong bản thân một trường cũng khác nhau ở nhiều ngành. Khi đó, một điểm sàn cho kỳ thi “3 chung” như trước nay cần phải thay đổi”. Ông Nghĩa cho rằng xác định mức điểm liệt tối thiểu ở từng môn thi sẽ linh hoạt hơn.
Theo ông Nghĩa, cần xác định điểm liệt với mục tiêu giống như điểm sàn trước đây là phân luồng học sinh vào các bậc học cụ thể. Điểm liệt này không thể là 0 như cũ, mà cần xác định cao hơn để có khả năng loại trừ khoảng 5 đến 10% thí sinh ở mỗi môn thi. Trong một khối thi gồm 3 môn, khả năng loại trừ tối đa khoảng từ 15 đến 30% thí sinh. Phần lớn thí sinh còn lại sẽ vẫn đủ điều kiện để tham gia xét tuyển. “Phương án điểm liệt thay cho điểm sàn sẽ phù hợp hơn với một mùa thi vừa có thi chung vừa thi riêng. Có thể nói, phương án này sẽ giúp giữ thể diện cho kỳ thi “3 chung” mà vẫn đảm bảo tính phân luồng học sinh”, tiến sĩ Nghĩa khẳng định.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đề nghị nên xác định mức điểm liệt tối thiếu từ 3 đến 4 điểm ở từng môn thi. Thạc sĩ Tuấn cho rằng: “Điểm liệt sẽ tránh được một nhược điểm của điểm sàn cũ vì yêu cầu thí sinh cần phải đạt điểm tối thiểu ở từng môn thi. Trong khi trước đó điểm sàn chung cho 3 môn, thí sinh có thể đạt 10 điểm môn này và nửa điểm môn kia vẫn có thể trúng tuyển”.
Vũ Thơ - Hà Ánh
>> 3 trường Cao đẳng ra đề án tuyển sinh riêng năm 2014
>> Thêm 3 trường công bố đề án tuyển sinh riêng
>> 2 trường ĐH ngoài công lập công bố tuyển sinh riêng
>> Ngành nào của Trường ĐH Y dược TP.HCM tạm dừng tuyển sinh?
>> Thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Bình luận (0)