* Nền giáo dục theo hướng mở của nền kinh tế thị trường
|
Theo đề án này, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo (GD-ĐT) sau khi được thành lập sẽ giữ vai trò tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo những công việc quan trọng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện điều phối các chủ trương, chiến lược, đề án quốc gia về GD-ĐT, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực.
Đối với đề án “Xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015”, theo Bộ GD-ĐT (cơ quan chủ trì đề án), sẽ thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 2014 - 2015 hoàn thành cơ bản một số nhiệm vụ chính như: Cơ sở khoa học về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK), chuẩn bị các nguồn lực để xây dựng, biên soạn và thẩm định. Xây dựng tổng thể, chương trình môn học và biên soạn SGK thử nghiệm các lớp 1, 6 và 10 (đầu mỗi cấp học). Trong giai đoạn 2016 -2020, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình, SGK mới. Biên soạn SGK thử nghiệm các môn học các lớp còn lại. Hoàn thành việc chỉnh sửa, ban hành chương trình, SGK, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tài liệu hướng dẫn thực hiện. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lưu ý, đây là đề án nghiên cứu xây dựng nhằm điều chỉnh cho giai đoạn sau chứ không phải điều chỉnh ngay. Do đó, chương trình và bộ SGK hiện tại sẽ vẫn được giữ ổn định.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, việc thay đổi chương trình và SGK hiện vẫn phải “vừa chạy vừa xếp hàng”. Nhưng vấn đề cốt lõi thời gian tới, muốn thay đổi căn bản và toàn diện GD cần có một hệ thống chuẩn mới về GD. Từ đó, thay đổi chương trình theo khung chuẩn này rồi mới thay đổi SGK, thi cử. “Cái quan trọng nhất hiện nay là Bộ GD-ĐT phải sớm ban hành được hệ thống chuẩn về GD mới”, Phó thủ tướng nói.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nghiên cứu cải cách nền GD quốc dân theo hướng mở của nền kinh tế thị trường. “Bây giờ cứ triển khai hệ thống SGK phục vụ cho nền GD quốc dân hiện tại theo hướng hoàn thiện hơn. Sau đó, khởi động lập đề án, nhân lực, có bộ phận chuyên trách trên cơ sở hệ thống hiện nay, kế thừa cái hiện tại, tiếp thu xu thế phát triển của thế giới theo hướng mở, học tập suốt đời”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cho rằng muốn thay đổi GD như thế nào thì thời gian tới cần phải xây dựng và ban hành chuẩn hệ thống GD mới, sau đó từ hệ thống này mới tính tới việc thay đổi chương trình và SGK. Đi theo lộ trình đó mới đảm bảo được một cách vững chắc, căn bản.
Thủ tướng đồng ý lập Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT nhưng nhắc nhở đơn vị chủ trì cần giảm bớt số thành viên, tinh giản bộ máy hoạt động hiệu quả. Về tổ chức bộ máy, Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, hai Phó chủ tịch gồm Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Hai ủy viên thường trực gồm Bộ trưởng GD-ĐT và Bộ trưởng LĐ-TB-XH.
Các bộ khác phải cùng tham gia Với vai trò là bộ chủ trì nhiều đề án, chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận mong muốn các bộ khác phải vào cuộc để san sẻ công việc. Trước mắt, Bộ Nội vụ phải nhanh chóng triển khai đề án tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức bởi tình trạng bằng giả đang gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. “Chúng tôi tha thiết mong Bộ Nội vụ sớm triển khai đề án này”, ông Luận đề nghị. Đối với việc cải cách lương giáo viên, ông Luận cũng mong Bộ LĐ-TB-XH sớm lập một đề án riêng thay vì đề án chung nằm trong Bộ Tài chính. |
Anh Vũ
>> Thủ tướng chủ trì cuộc họp về đề án đổi mới giáo dục
>> Thử nghiệm đề án đổi mới giáo dục từ năm 2014
>> Đổi mới giáo dục theo cách riêng
>> Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
Bình luận (0)