|
Cách đây đúng 28 năm, ngày 28.2.1986, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát trên đường đi bộ về nhà sau khi xem suất phim tối cùng gia đình. Sát thủ bắn hai phát đạn, một phát trúng lưng làm ông Palme chết tại chỗ, phát thứ hai làm vợ ông, bà Lisbeth Palme, bị thương nhẹ. Sau khi gây án, hắn biến mất trong màn đêm và trở thành ẩn số khiến cảnh sát Thụy Điển đau đầu trong suốt gần 3 thập niên. Ngay trước dịp tưởng niệm biến cố đau buồn này, báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển đã đăng tải hồ sơ về những thông tin mà nhà văn Stieg Larsson thu thập được trong quá trình điều tra vụ ám sát ông Palme.
Từ cực hữu đến tình báo Nam Phi
Trước khi thành danh trên văn đàn, ông Larsson là nhà báo nổi tiếng, đặc biệt rất thường viết về các đảng phái cực hữu của Thụy Điển. Cái chết của vị thủ tướng được nhiều người dân yêu mến đã làm rúng động đất nước Bắc Âu này. Không ngoại lệ, ông Larsson rất quan tâm đến vụ việc và ngay lập tức dành nhiều thời gian sau công việc để điều tra.
Theo Svenska Dagbladet, trước khi qua đời vì một cơn đau tim năm 2004, nhà văn đã giao lại cho cảnh sát 15 thùng các tông hồ sơ. Người tình cũ của tác giả bộ Millenium (gồm Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa và Cô gái chọc tổ ong bầu), bà Eva Gabrielsson kể lại: “Anh ấy bắt đầu điều tra từ những nhóm cực hữu vì đây là lĩnh vực mà Larsson rành rẽ nhất, ngoài ra, những tổ chức cực đoan cũng nằm trong số các đối tượng tình nghi”. Bà Gabrielsson và ông Larsson đã cùng thu thập rất nhiều tài liệu như địa chỉ, số điện thoại rồi xếp lại theo thứ tự để xâu chuỗi các sự kiện với nhau. Ông Larsson nhanh chóng chuyển hướng điều tra sang cựu quân nhân Thụy Điển Bertil Wedin vì tìm được nhiều nguồn tin cho biết người này làm việc cho tình báo Nam Phi từ thập niên 1970.
Sau vụ ám sát, cảnh sát cũng từng đặt nghi vấn tình báo Nam Phi đứng sau vụ việc vì lúc sinh thời, ông Palme là người nổi tiếng chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa Apartheid. Một điểm đáng chú ý khác là ngày xảy ra biến cố trên, điệp viên nổi tiếng của Nam Phi Craig Williamson cũng ở Thụy Điển. Năm 1982, Wedin từng thừa nhận có làm việc cho ông Williamson. Một số tài liệu do nhà văn Larsson để lại miêu tả Wedin là “sát thủ chuyên nghiệp” hàng đầu châu Âu vào thời điểm ấy. Tài liệu khác cho rằng ông này là trung gian của vụ ám sát. Cơ sở để nhà văn Larsson hướng sự nghi ngờ vào ông Wedin là các thông tin thu thập được như: bản sao hộ chiếu cho thấy người này nhiều lần đến Nam Phi; điều kiện kinh tế khá giả; bản báo cáo ở CH Cyprus về những lần Wedin bị cảnh sát hỏi thăm sau khi định cư tại nước này (không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát)… Ngoài ra, ông Wedin cũng bị tình nghi là chủ mưu vụ ám sát bạn của Thủ tướng Palme, ông Ruth First vào năm 1982.
130 người tự nhận... thủ phạm
Việc công bố hồ sơ do nhà văn Larsson thu thập được đã mở lại một hướng điều tra từng được đặt ra trước đây. Tuy nhiên, chỉ dựa vào đó vẫn cực kỳ khó để khẳng định hung thủ thực sự đã giết ông Palme. Đây được xem là vụ án hình sự quy mô nhất, tốn kém nhất lịch sử Thụy Điển. Việc điều tra gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều giả thuyết được đặt ra với các chủ mưu đến từ… nhiều châu lục. Nguyên nhân là do ông Palme dù rất được lòng dân chúng nhưng đối với nhiều chính trị gia cả trong lẫn ngoài nước, ông thật sự là “một cái gai” cần phải nhổ bỏ.
Báo Le Figaro dẫn lời chuyên gia Clars Arvidsson cho biết ông Olof luôn mong muốn xây dựng một Thụy Điển thiên tả và tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Về đối ngoại, ông không ngại công khai phản đối Mỹ về chiến tranh Việt Nam, chỉ trích chế độ Apartheid của Nam Phi, xem lực lượng PKK người Kurd là khủng bố hoặc kêu gọi châu Âu giải trừ vũ khí hạt nhân… Chính vì vậy, khi Thủ tướng Palme bị giết, cảnh sát Thụy Điển có hàng chục hướng điều tra để triển khai cả trong lẫn ngoài nước, chưa kể giả thuyết hung thủ là một kẻ có vấn đề về tâm lý, hành động đơn độc. Theo báo Le Temps, từ năm 1986 đến nay có hơn 11.000 người bị xét hỏi, trong đó có 130 người tự nhận là… thủ phạm.
Thậm chí, năm 1989, qua xác nhận của bà Lisbeth Palme, nghi phạm Christer Pettersson đã bị bắt giữ và bị kết án chung thân nhưng sau đó được tòa phúc thẩm xử trắng án vì không đủ chứng cứ. Năm 2001, Pettersson thừa nhận việc gây án trong một bài báo và giải thích hành động của mình là để trả thù cho người bạn Lars Tingström bị kết án chung thân do thực hiện nhiều vụ đánh bom vào đầu thập niên 1980. Tingström đã viết đơn xin ân xá nhưng bị Thủ tướng Palme từ chối nên nuôi lòng căm hận. Tuy nhiên, sau đó, Pettersson lại bác bỏ thông tin trong bài báo và không tiết lộ gì thêm cho đến khi qua đời vào năm 2004.
Vụ án lịch sử Tờ Le Point dẫn lời nhà điều tra Stig Edqvist cho biết: “Do tính chất phức tạp của vụ án, hồ sơ chúng tôi thu thập được trong gần 3 thập niên qua xếp đầy số kệ dài hơn 200 m. Lượng tài liệu như thế phải mất khoảng 10 năm mới đọc hết với điều kiện mỗi ngày đọc 300 trang”. Chính phủ Thụy Điển đã chi hơn 50 triệu euro cho quá trình điều tra. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Con trai cố Thủ tướng Olof Palme thăm Bệnh viện Nhi T.Ư
>> Chiến hữu của bin Laden bị ám sát tại Syria
>> Không có bằng chứng vương phi Diana bị ám sát
>> Cựu Tổng thống Brazil 'bị ám sát
>> Rộ tin Chu Vĩnh Khang âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình
>> Huấn luyện ám sát ở Triều Tiên
Bình luận (0)