Từng hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nhưng hiện vợ chồng anh chị Vũ - Lệ, chủ trang trại dưa lưới Hoàng Xuân (Trảng Bàng, Tây Ninh) lại thu hàng tỉ đồng mỗi năm từ một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt: nông nghiệp.
|
Trong những ngày này, vợ chồng anh Trần Hữu Vũ, chị Văn Thị Cẩm Lệ cùng 5 người phụ việc đang tất bật với việc thụ phấn cho lứa dưa mới - công đoạn tốn nhiều sức lao động nhất cho vườn dưa gần như hoàn toàn “tự động” này. Đây là lứa dưa mới trồng sau vụ tết. Thụ phấn xong chỉ khoảng 30 ngày là đến lúc thu hoạch. Trung bình cứ 3 tuần trại Hoàng Xuân lại xuất hàng một lần.
Nhờ sản xuất theo công nghệ hiện đại với số lượng lớn, đạt các tiêu chí an toàn nên sản phẩm vào được các hệ thống phân phối lớn của thành phố. Gần đây nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng theo yêu cầu nên Hoàng Xuân yên tâm về đầu ra, chỉ tập trung cho sản xuất. Hiện nay, mỗi năm Hoàng Xuân xuất vườn 4 vụ khoảng 40 tấn với 90% là loại một. Giá bán tại vườn từ 22.000 - 28.000 đồng/kg. Theo chiều hướng này, khoảng 2-3 năm nữa vườn dưa có thể thu hồi vốn.
Trang trại Hoàng Xuân có tổng diện tích 7.000 m2, phần diện tích nhà kính để canh tác là 4.500 m2. Nhà kính được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn để ngăn côn trùng từ bên ngoài xâm nhập vào. Nền được lót bạt cao su để cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Mỗi dây dưa được trồng trong một giá thể quấn vào một sợi dây treo thẳng đứng được trợ giúp bằng hệ thống cáp chịu lực liên kết với khung nhà. Theo chị Lệ, cách trồng này giúp tiết kiệm diện tích gấp 3 lần (năng suất gấp 3 lần) cách trồng thông thường và một dây dưa chỉ thu hoạch được một trái. Do được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên dưa rất ít bị sâu bệnh tấn công, côn trùng phá hoại hoặc thời biết bất lợi..., chính vì vậy mà rủi ro rất thấp.
Điều đặc biệt nhất ở trang trại này là việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt được nhập khẩu từ Israel. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước và phân bón vì cây được cung cấp dinh dưỡng theo đúng nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng. Theo anh Vũ, riêng phần đầu tư cho dàn máy điều khiển hệ thống tưới phân và phun sương có giá cả trăm triệu đồng hoặc cao hơn tùy loại và tính năng. Còn vốn đầu tư cho nhà kính và dây tưới nhỏ giọt trung bình 350.000 đồng/m2, đó là chưa kể các khoản chi khác cho nhà điều hành, sân bãi, bể ngầm... Tuy chi phí đầu tư lớn nhưng tuổi thọ của hệ thống tưới và khung nhà kính cũng trên 10 năm và tiết kiệm được công, chi phí chăm sóc nên nó cũng không phải là quá đắt.
Hiện tại vợ chồng anh chị đang chuẩn bị xây dựng 10.000 m2 nhà kính ở trang trại thứ hai trên diện tích 15.000 m2, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại hơn có khả năng đo độ EC, pH trong đất và đặc biệt có thể điều khiển từ xa qua mạng internet.
Chí Nhân
Bình luận (0)